Nhiều doanh nghiệp còn dùng chất cấm nuôi heo

Tại buổi họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi chiều 14/5 ở văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực phía Nam, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam tỏ ra khá lo lắng khi tình trạng chất kháng sinh và chất cấm chứa nhiều trong thịt gia súc của Việt Nam.  

“Chất cấm ngày càng gia tăng và được bán tràn lan. Để heo sinh trưởng phát triển nhanh, tạo nạc tốt nhiều công ty chăn nuôi lớn đã mua thức ăn và chất cấm về tự trộn cho gia súc ăn, chỉ có số ít các hộ nuôi lẻ mới mua cám từ công ty. Do vậy, tình trạng thịt heo chứa chất cấm ngày càng lớn”, ông Bình nói.

thit-heo-6273-1431603323.jpg

Nhiều bà nội trợ mua phải heo chứa chất cấm nhưng không hề biết. Ảnh: Hồng Châu.

Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Bình cũng cho biết, hiện nay nhiều bà nội trợ mua thịt heo có chứa chất cấm nhưng không hề biết vì đa phần người tiêu dùng thích thịt heo nhiều nạc. Mặt khác, quản lý của Việt Nam còn lỏng lẻo nên khó kiểm soát hết.

Bên cạnh đó, ông Bình còn cho rằng, việc sử dụng chất cấm này còn ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Bởi lẽ, sức mua sản phẩm trên thị trường giảm đi và nhiều hộ chăn nuôi thay vì mua hoàn toàn cám từ công ty thì họ tự mua thức ăn và tự trộn. 

Ngoài ra, hiện nay, lượng thịt ngoại đang tấn công mạnh thị trường Việt nên các doanh nghiệp chăn nuôi càng khó khăn. Một khi các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước “ốm yếu” thì công ty thức ăn chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng.

Trước tình trạng này, ông Bình đề nghị Bộ nên kiểm soát chăn nuôi chặt hơn để sản phẩm ra thị trường được đảm bảo, đồng thời, cần xét kỹ hơn mặt hàng nhập khẩu.

Đáp lại kiến nghị cũng như thắc mắc của ông Bình, Bộ Trưởng Cao Đức Phát cũng đồng tình và cho rằng hiện nay phần lớn thịt heo trong nước cung cấp cho thị trường nội địa. Do vậy, Bộ chỉ đạo các cơ quan quản lý cần kiểm soát ráo riết việc sử dụng chất cấm, đồng thời, cần theo sát hơn hoạt động chăn nuôi của các công ty cũng như người dân.

Bên cạnh về vấn đề chất cấm trong chăn nuôi, tại hội nghị, các doanh nghiệp chăn nuôi cũng cho biết họ đang đuối sức khi cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần nông súc sản Đồng Nai, thị phần chăn nuôi của Việt Nam quá thấp, hầu hết nằm trong tay doanh nghiệp FDI. Với tiềm lực lớn, vốn mạnh, doanh nghiệp ngoại gần như chi phối thị trường trong nước khiến doanh nghiệp Việt phải phụ thuộc và chịu thiệt thòi. Do vậy, lãnh đạo công ty này đề nghị Bộ cần có quy định rõ ràng, nên đưa ra lộ trình cũng như mức phát triển cho doanh nghiệp ngoại. Chẳng hạn như ra quy định doanh nghiệp FDI chỉ được phát triển khoảng 70% thị phần, 30% còn lại của công ty Việt, hoặc ngược lại.

Thừa nhận sự yếu thế của doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay chỉ khoảng 0,5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp. Đây là một con số cực kỳ nhỏ bé. Dẫu vậy, ông cũng cho biết, hiện nay thị phần trong nhóm thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp FDI đang chiếm số lượng lớn. Cho nên, thời gian tới Bộ đề nghị các doanh nghiệp đóng góp ý kiến để trình lên Chính Phủ đưa ra Nghị định cụ thể về việc phân bổ thị phần cũng như lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Mặt khác, bộ sẽ không để xảy ra tình trạng độc quyền và sẽ xử lý nếu đơn vị nào vi phạm.

Hồng Châu

0913.756.339