Tuy nhiên, sang phiên châu Á sáng nay, giá lại đảo chiều đi xuống. Đến 8h (giờ Hà Nội), mỗi ounce đã về 1.199 USD, tương đương 31,24 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí, gia công). Giá trong nước hôm qua đóng cửa tại 35,01-35,11 triệu đồng.
Giá giao ngay có lúc lên 1.204 USD một ounce, sau khi vượt ngưỡng kháng cự 1.200 USD. Giá vàng giao tháng 6 cũng tăng 9,4 USD lên 1.203 USD một ounce.
Giá vàng hôm qua lại lên trên mốc 1.200 USD một ounce. |
“Hôm nay, thị trường nhìn vào trái phiếu và tiền tệ. Dollar Index khởi đầu thực sự khá mạnh, sau đó lại đi xuống”, Phillip Streible – nhà môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futures cho biết.
Giá cũng được hỗ trợ nhờ đề xuất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhằm tăng độ bảo đảm cần thiết để đổi lấy gói hỗ trợ khẩn cấp cho các nhà băng Hy Lạp. Lo ngại Hy Lạp vỡ nợ đã đẩy cao nhu cầu trú ẩn.
Từ đầu năm, giá vàng đã chịu sức ép từ đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ. Việc này đã kéo USD lên và giảm độ hấp dẫn của vàng. Cho đến khi triển vọng tăng lãi trở nên rõ ràng, kim loại quý sẽ vẫn chật vật tìm hướng đi, giới phân tích nhận định.
“Bất ổn nói chung từ thời điểm và tốc độ FED thắt chặt tiền tệ đã khiến nhà đầu tư ngần ngại đổ tiền lớn vào thời điểm này”, UBS nhận xét.
Nhu cầu vật chất từ Trung Quốc – nước tiêu thụ vàng lớn nhì thế giới cũng còn yếu. MKS nhận xét phiên giao dịch tại châu Á “khối lượng rất thấp và biến động giá ít”. Họ đang chờ đợi quốc gia tiêu thụ số một – Ấn Độ. Nhu cầu tại đây được dự báo tăng mạnh nhờ dịp lễ Akshaya Tritiya sắp tới. Nguồn cung kim loại quý vào đây đã bắt đầu tăng mạnh.
Trên thị trường dầu thô, giá hôm qua đi xuống sau khi Ảrập Xêút tuyên bố ngừng chiến dịch quân sự tại Yemen, và dự trữ tại Mỹ được dự báo tiếp tục tăng tuần qua. Dầu WTI giao tháng 5 mất 2% xuống 55,26 USD một thùng. Trong khi đó, dầu Brent giảm 2,1% xuống 62,08 USD một thùng.
Hà Thu