Tai hội thảo “Vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế” diễn ra ngày 15/5 tại TP HCM, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang là kênh huy động vốn tốt, nhưng quy mô còn rất khiêm tốn so với toàn cầu. Bên cạnh đó, thị trường vẫn tồn tại không ít vấn đề, hạn chế sự quan tâm cũng như gắn bó của nhà đầu tư.
Là một trong 2 doanh nghiệp “lên sàn” đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cơ điện lạnh (Mã CK: REE) – Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng nền kinh tế Việt Nam thực tế còn yếu, cạnh tranh kém và dễ bị tổn thương. Riêng thị trường chứng khoán, nhiều công ty niêm yết còn ốm yếu, nhà đầu tư dễ dàng “đi ra đi vào” vì thiếu niềm tin, khiến dòng tiền ở thị trường không ổn định.
Nhiều chuyên gia cho rằng tái cấu trúc thị trường chứng khoán ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế. |
Chia sẻ những lo lắng về vốn, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết vốn ngắn hạn từ ngân hàng hiện chiếm tới 80% dòng tiền vào chứng khoán, gây mất cân đối trong huy động và sử dụng vốn. “Một thị trường dựa chủ yếu vào dòng vốn ngân hàng là yếu kém, rủi ro. Nều đầu tư vào chứng khoán quá mạnh thì phân bổ nguồn lực trong xã hội sẽ không hợp lý và xảy ra bong bóng tài sản”, vị này lý giải
Theo tính toán của cơ quan giám sát, riêng năm 2011, vốn ngân hàng chảy sang chứng khoán ở cả kênh chính thức và không chính thức đều rất cao. Riêng con đường không chính thức theo dạng liên doanh đầu tư giữa ngân hàng và công ty chứng khoán, con số lên đến hơn 50.000 tỷ đồng. Điều này gây rủi ro rất lớn cho hệ thống tài chính ngân hàng.
Cũng băn khoăn về nguồn vốn cho thị trường, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng nên đẩy mạnh nguồn vốn từ phần hóa. Vị này dẫn chứng theo quy định, Nhà nước chỉ nắm giữ 4 nhóm doanh nghiệp: công nghiệp quốc phòng, lĩnh vực độc quyền, công trình công cộng, một số thứ cần cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện Nhà nước vẫn còn chi phối quá nhiều trong cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực ngành nghề khác.
Dẫn lại số liệu của Bộ tài chính – ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định tiến độ cổ phần hóa thực hiện chậm lại. Trong 4 năm (2008-2011), có 117 doanh nghiệp được cổ phần hóa, thấp hơn nhiều so với thời gian trước đó. Đến giai đoạn 2011-2013, số thực hiện được chỉ còn 99 đơn vị. Năm 2014 khá hơn chút khi cổ phần hóa 143 doanh nghiệp. “Tuy nhiên, so với con số đặt ra thì mục tiêu này quá thấp. Tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại doanh nghiệp có quy mô lớn còn quá cao, khiến việc áp dụng chuẩn mực thị trường tại đây là rất khó”, chuyên gia này phân tích.
Để xử lý những vấn đề trên, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng cần đẩy mạnh thoái vốn, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa nên niêm yết sớm để huy động vốn nhanh hơn. Việc động viên cần được thực hiện bằng cách giảm thuế cho những đơn vị công bố thông tin minh bạch.
Chia sẻ thêm về quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính – Vũ Viết Ngoạn cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển của cả nền kinh tế.
“Nếu ở châu Âu, châu Mỹ, tổng tài sản thị trường tài chính gấp 6 lần GDP thì châu Á là 3 lần, Việt Nam chỉ khoảng 1,7 lần. Do vậy, nếu không cải cách thị trường tài chính, điển hình là thị trường vốn thì rất khó phát triển”, ông Ngoạn nhận định.
Để phát triển thị trường tài chính mạnh và minh bạch, cần có giải pháp cải cách dựa trên 4 yếu tố mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng áp dụng, bao gồm: chính sách bảo vệ nhà đầu tư, xử lý phả sản, tiếp cận vốn và thực thi pháp luật. Có như vậy, Việt Nam mới có được thị trường tài chính lành mạnh, tạo điều kiện cho phát triển bền vững.
Hồng Châu