Ngành thống kê ‘bó tay’ trước chênh lệch số liệu thương mại Việt Trung

Chia sẻ với báo chí tại buổi hội thảo chuyên đề diễn ra giữa tuần này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết sau kỳ họp Quốc hội giữa năm, cơ quan này nhận nhiệm vụ làm rõ câu chuyện chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu, mà theo công bố trước đó của Việt Nam và Trung Quốc, lên tới 20 tỷ USD trong năm 2014.

Được coi là chỉ báo quan trọng đối với nền kinh tế, nhất là trong tình hình hiện nay, nên theo ông Lâm, nhiệm vụ nêu trên được chính Ủy ban Kinh tế giao cho Tổng cục, dù cơ quan này cũng như lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có giải trình trước Quốc hội cũng như dư luận. Lý do khi ấy được nêu ra bắt nguồn từ cả nguyên nhân thống kê lẫn gian lận thương mại.

Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng tìm hiểu, với nhiệm vụ chính là lượng hóa trong con số 20 tỷ USD nêu trên, bao nhiêu phần do buôn, bao nhiêu phần do thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm phải thừa nhận chưa thể tìm ra lời giải. “Chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu và phối hợp với Tổng cục Hải quan để đưa ra báo cáo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay với cách thống kê Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm của quốc tế thì chưa cho phép lượng hóa điều này”, ông Lâm nói. 

xuat-nhap-khau-500-6165-1439464076.jpg

Các chuyên gia cho rằng, số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc chênh lệch nhau là điều khó tránh khỏi. Ảnh: Đ.T

Chia sẻ với phía Việt Nam, chuyên gia EU Romesh Paul, cố vấn trưởng Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thống kê ASEAN, đồng thời là người được mời hỗ trợ nhiệm vụ này, cho rằng tình trạng chênh lệch về số lượng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, lý do chính có thể đến từ sự khác nhau về phạm vi và phương pháp, cách xử lý đối với một số loại hàng hóa đặc thù, sự khác nhau trong phân loại hàng hóa, thời điểm thống kê….

Cũng theo chuyên gia này, việc chênh lệch số liệu nói trên không phải là vấn đề đối với riêng quốc gia nào, kể cả là giữa Trung Quốc và liên minh châu Âu. Việc tìm ra nguyên nhân chênh lệch, theo ông đòi hỏi phải sự tham gia phân tích của các nước, hơn nữa đây là các số liệu cũ nên việc kiểm tra không dễ dàng. 

“Chênh lệch EU-Trung Quốc có thời điểm cũng vào khoảng 20 tỷ USD, nhưng việc xác định sai số có bao nhiêu phần trăm do buôn lậu, gian lận thương mại thì rất khó. Hai bên mất 4 năm mới xác định được những lí do chính dẫn đến chênh lệch số liệu nhưng cuối cùng không ước lượng được phần trăm nguyên nhân dẫn đến sai lệch. Họ cũng chỉ phát hiện được vì sao chênh lệch 10 tỷ đôla, còn 10 tỷ nữa thì không lượng hóa được”, ông Romesh Paul nói. 

Là một trong 2 cơ quan thống kê số liệu xuất nhập khẩu, Phó cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) – Phan Sinh cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

“Nếu chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu tới 20 tỷ USD mà tất cả đều do buôn lậu thì kinh tế Việt Nam nguy lâu rồi, chứ không tăng trưởng được như thời gian qua”, ông Sinh nói.

Đại diện cơ quan hải quan cũng thừa nhận, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là không nhỏ, nhưng con số thực tế lớn chừng nào thì khó định lượng. Tuy nhiên, ông cho biết, số liệu thống kê chênh lệch thường tập trung vào nhóm hàng khoáng sản, điện tử, may mạc, giày da.

“Mặt hàng khoáng sản thì có tình trạng buôn lậu. Còn với nhóm hàng điện tử, may mặc, giày da thì số liệu có thể chênh lệch do cách thống kê. Việt Nam là địa điểm nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều doanh nghiệp FDI nên không tránh khỏi điều đó do phương pháp thống kê khác nhau giữa các nước. Và con số chênh lệch có thể ngày một tăng lên”, ông Sinh nói. 

Đồng tình với những lý giải trên và cho rằng sai số trong quá trình thống kê là khó tránh khỏi, song trao đổi tại hội thảo nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng các cơ quan thống kê, quản lý thương mại cần có biện pháp rốt ráo hơn nữa để xử lý tình trạng này. Ngược lại, nếu việc chênh lệch cứ kéo dài và con số ngày một lớn dần thì rất khó thuyết phục được Quốc hội cũng như cử tri cả nước. Điều này cũng hết sức nguy hiểm trong bối cảnh đối tác Trung Quốc đang có động thái hạ giá đồng tiền, nguy cơ gây áp lực hơn nữa lên nhập siêu của Việt Nam.

Trước đó, câu chuyện chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu từng được xới xáo và gây chú ý tại kỳ họp Quốc hội tháng 6. Ông Mai Hữu Tín – đại biểu Bình Dương đã gây sốc với bài phát biểu về mối quan hệ thương mại Việt – Trung. Ông dẫn chứng các số liệu cho thấy số liệu thống kê hai nước từ trước tới nay luôn chênh lệch theo hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam. Riêng năm 2014, số liệu nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam do 2 nước thống kê chênh lệch tới 20 tỷ USD. Đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại… 

Tại nghị trường lúc đó, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã lý giải, sự khác biệt trên xảy ra với tất cả các nước, không riêng gì Trung Quốc. Nguyên nhân là các vấn đề về kỹ thuật, cách xử lý số liệu khác nhau… 

Ngọc Tuyên

0913.756.339