Theo ông Peter Phạm – Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Phoenix Capital, từ nay đến cuối năm sẽ là thời điểm vàng để các nhà băng đẩy mạnh cho vay cá nhân. Đây cũng là cơ hội để người có nhu cầu mua nhà hay vay tiêu dùng tiếp cận lãi suất với mức hấp dẫn.
– Một số ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở phân khúc khách hàng cá nhân, thay vì khách hàng doanh nghiệp như trước. Quan điểm của ông về vấn đề này?
– Trước đây nếu muốn tăng nhanh dư nợ, các ngân hàng tập trung nhiều vào doanh nghiệp bởi cho vay hàng nghìn người cũng không bằng một món vay của một doanh nghiệp lớn. Nay các doanh nghiệp khó khăn thì đương nhiên họ phải trở lại khách hàng cá nhân. Thực tế dù nhặt bạc lẻ nhưng họ sẽ phân tán được rủi ro tín dụng tốt hơn thông qua quy luật số lớn.
Nên nhìn nhận động thái này là tin vui đối với nền kinh tế, có thể giúp kích cầu các thị trường. Tôi tin phân khúc khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay hấp dẫn, kỳ hạn dài, rủi ro được phân tán, đang và sẽ là động lực tăng trưởng dư nợ để hệ thống ngân hàng có thể hoàn thành chỉ tiêu 12% vào cuối năm. Do đó, đây là phân khúc được các ngân hàng quan tâm.
– Hiện các ngân hàng tung ra nhiều gói cho vay mua nhà, ôtô, tiêu dùng với những lời quảng cáo rất kêu theo kiểu có lợi cho người tiêu dùng. Ông nhìn nhận thế nào về tính cạnh tranh và an toàn trong cuộc đua này?
– Có lẽ mỗi tuần chúng ta đều nhận một cuộc điện thoại từ nhân viên ngân hàng chào mời các gói này. Diễn biến ấy đã làm cho tình hình cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt và điều này là tin tốt với người vay. Muốn cải thiện dư nợ, thắng được đối thủ, các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay mua nhà, xe, tiêu dùng hơn nữa. Quan trọng hơn, các nhà băng cần giữ lãi suất ổn định trong thời gian dài hơn, kết hợp với cố định biên độ lãi suất để tạo nên sự khác biệt trong thị trường.
Về mức độ an toàn thì tôi không lo ngại lắm bởi cho vay tiêu dùng, cá nhân dựa trên thu nhập thực tế của khách hàng. Bên cạnh đó, ở góc độ quản trị rủi ro danh mục, nhiều khoản vay nhỏ cho khách hàng cá nhân sẽ giúp phân tán được rủi ro tín dụng tốt hơn tập trung vào một vài món vay lớn cho khách hàng doanh nghiệp. Hơn nữa, các ngân hàng hiện đã bắt đầu siết chặt quy trình thẩm định để tránh nợ xấu phát sinh thêm.
Chuyên gia kinh tế Peter Phạm: “Cuối năm là cơ hội để người có nhu cầu mua nhà hay vay tiêu dùng tiếp cận các gói lãi suất hấp dẫn từ các ngân hàng”. |
– Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của người vay. Ý kiến của ông về vấn đề này?
– So với nhiều năm trước, lãi suất hiện đã giảm xuống rất nhiều từ mức ngất ngưởng 20-25% nhưng tôi nghĩ, phải nói cho chính xác hơn, nguồn vốn không còn là trở ngại đối với người vay khi các ngân hàng đang thừa vốn và phát sinh khoản lỗ khổng lồ trả lãi tiền gửi hàng tháng. Còn lãi suất thì muôn đời là trở ngại với người vay vì ai cũng muốn trả phí thấp nhất. Giờ kinh tế khó khăn, người dân vẫn hạn chế tiêu dùng, doanh nghiệp không có nhiều cơ hội đầu tư thì lãi suất vẫn là chìa khóa tốt.
– Một số ngân hàng đưa ra lãi suất cho vay thấp nhưng chỉ áp dụng trong thời gian đầu, và phạt hợp đồng nếu tất toán trước hạn. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
– Các chương trình ưu đãi lãi suất của ngân hàng hiện giờ khá nhiều. Do đó, để tăng sức cạnh tranh đồng thời thu hút người đi vay, các ngân hàng sẽ phải tăng cường các giải pháp giúp giảm thiểu thêm chi phí vay vốn cho người đi vay đồng thời kéo dài thời gian được hưởng ưu đãi của người dân.
Hiện nay ngoài thị trường có rất nhiều gói cho vay ưu đãi nhưng lãi suất chỉ thấp trong giai đoạn đầu và sau một thời gian sẽ quay trở về mức lãi suất hiện hành của ngân hàng hoặc điều chỉnh tăng theo thay đổi của thị trường vào từng thời điểm. Kỳ hạn ưu đãi dài nhất trên thị trường hiện nay thuộc gói hỗ trợ mới của VIB với thời gian ưu đãi lên đến 30 tháng với lãi suất ưu đãi 0,68% một tháng cùng chính sách cố định biên độ lãi suất 4% một năm từ tháng thứ 31 trở đi. Tính ra rất cạnh tranh so với mức lãi suất 11,2% trên thị trường hiện nay. Với biên độ lãi suất như vậy, người vay cũng yên tâm hơn khi lãi suất vẫn biến động theo thị trường sau thời gian ưu đãi đồng thời được cố định ở mức thấp. Một điểm nhấn khác của gói ưu đãi này là VIB không áp dụng phí phạt đối với khách hàng trả nợ trước hạn.
Lãi suất khó đoán sau thời gian ưu đãi là mối e ngại của nhiều người đi vay. |
– Vậy ông có lời khuyên gì cho những người có ý định đi vay?
– Khách hàng phải hết sức lưu ý một số điều sau đây để tránh thiệt thòi về mình khi tham gia vào các chương trình ưu đãi vay vốn của các ngân hàng:
Trước hết, những ai có nhu cầu vay cần hỏi rõ lãi suất thay đổi như thế nào trong suốt giai đoạn vay, nhất là từ lúc hết khuyến mãi trở đi, tránh việc chỉ tháng đầu được hưởng lãi suất ưu đãi, các tháng sau “nhảy” lên cao vút. Theo tôi, nếu được vay lãi suất cố định trong thời gian dài vài năm sẽ giúp bạn yên tâm hơn và có kế hoạch trả nợ dễ dàng.
Thứ hai, cần hỏi rõ nợ vay tính dựa trên dư nợ đầu vào hay dư nợ thực tế để làm rõ tổng số tiền phải trả của khoản vay thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào lãi suất niêm yết, mời chào của ngân hàng.
Thứ ba, bạn phải nắm rõ những quy định về phạt và phí trả nợ vay trước hạn.
Cuối cùng, đa số các ngân hàng tính lãi tiền gửi phải trả cho khách hàng dựa trên số ngày thực tế khách hàng gửi, tuy nhiên lại tính tiền lãi vay theo cách tính bình quân tháng 30 ngày, điều này sẽ đem đến sự chênh lệch giữa thực tế và cách tính bình quân số ngày trong năm là 360 và 365 ngày. Nhưng hầu hết khách hàng đều không để ý hoặc nếu có cũng bỏ qua bởi chênh lệch không đáng kể.
Thu Ngân