Bản chụp một phần của văn bản này đã khiến thị trường dấy lên tin đồn doanh nghiệp đang bị thanh tra các khoản vay. VnExpress đã phỏng vấn Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh về câu chuyện này.
– Xin ông giải thích văn bản của Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng về tình hình cho vay của HAGL đang lan truyền trên mạng là gì?
– Cách đây 2 tuần, Tập đoàn HAGL đã có văn bản đề nghị NHNN xem xét lại khoản vay ở các ngân hàng thương mại sao cho phù hợp với chu kỳ của dòng tiền trong giai đoạn mới. Doanh nghiệp cũng đề nghị điều chỉnh lại một số mức lãi trước đây quá cao về mức hợp lý. Mục đích nhằm giúp doanh nghiệp có cơ sở cân đối chi phí thuận lợi hơn.
Xuất phát từ đề nghị của doanh nghiệp, NHNN mới ban hành văn bản xuống các ngân hàng thương mại yêu cầu báo cáo, rà soát tình hình cho vay, chất lượng tín dụng, tài sản đảm bảo của công ty HAGL và các công ty con. Đây là quy trình nhằm làm rõ các khoản vay cụ thể đang ở đâu, lãi suất như thế nào, tài sản thế chấp gồm những gì.
Một phần của văn bản này bị rò rỉ ra ngoài khiến cho nhiều người hiểu nhầm công ty HAGL đang bị thanh tra. Đây là tin đồn thất thiệt. Trường hợp này không phải doanh nghiệp bị thanh tra vì vi phạm pháp luật, càng không phải doanh nghiệp bị thua lỗ, mất cân đối thanh khoản mà là NHNN tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp theo yêu cầu.
Phó thống đốc NHNN Việt Nam, Nguyễn Phước Thanh cho rằng nếu doanh nghiệp dự báo được khó khăn trước mắt, chủ động báo cáo kịp thời là việc làm tích cực. |
– Quan điểm của NHNN về đề nghị của HAGL như thế nào thưa ông?
– HAGL là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành đã nhiều năm, có tiếng tăm trên thị trường, tạo nhiều công ăn việc làm và đóng góp lớn cho xã hội cũng như tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.
Doanh nghiệp ban đầu làm gỗ, sau đó chuyển sang bất động sản, thủy điện, khoáng sản, cao su và sau này đi theo hướng tập trung vào nông nghiệp. Công ty từng chủ động tái cơ cấu mạnh mẽ, thoái vốn bất động sản và đã dịch chuyển vốn vào nông nghiệp, từng bước phát triển tốt lĩnh vực này.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bất ổn kinh tế toàn cầu, hiện nay nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động. Giá cao su rớt 75% khiến doanh nghiệp khó khăn trong ngắn hạn. Họ chủ động tái cấu trúc nợ và trình bày những khó khăn sắp tới thể hiện tinh thần nhìn thẳng vào sự thật nên NHNN ủng hộ cách hành xử này. Cơ quan quản lý chỉ lo doanh nghiệp đang khó mà vẫn nói mình khỏe. Nếu dự báo được khó khăn trước mắt, chủ động báo cáo nhanh, kịp thời là việc làm tích cực.
Tin đồn HAGL bị NHNN thanh tra nợ vay bắt nguồn từ một văn bản rò rỉ trên diễn đàn F319. Ảnh chụp màn hình |
– Thanh tra ngân hàng yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình của HAGL trước ngày 18/1, hiện nay đã thống kê đến đâu thưa ông?
– Hiện các ngân hàng thương mại vẫn chưa báo cáo kịp tiến độ. Cũng cần nói thêm đây là trường hợp đầu tiên một tập đoàn tư nhân chủ động đề nghị tái cấu trúc nợ. Qua kiểm tra sơ bộ trên hệ thống, nợ của HAGL phần lớn thuộc nhóm trung và dài hạn, đang xếp ở nhóm 1, không phải nợ xấu. Cân đối nợ của tập đoàn so với tài sản vẫn trong trạng thái an toàn.
– Vậy hướng giải quyết cụ thể như thế nào, thưa ông?
– Ngay khi các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình cụ thể, NHNN sẽ làm việc với từng đơn vị để đưa ra giải pháp. Ngành nghề HAGL đầu tư là nông nghiệp, thuộc diện ưu tiên. Trong tình huống này NHNN sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Thứ nhất, xem xét rà soát lại kỳ hạn nợ, nếu gây áp lực cho doanh nghiệp sẽ có hướng điều chỉnh, gia hạn. Thứ hai, quá trình cho vay lãi suất như thế nào, xử lý theo hướng có vướng mắc thì cùng gỡ, không thể trong lúc doanh nghiệp khó khăn lại tận thu. NHNN sẽ xử lý theo hướng hợp lý, không để doanh nghiệp thiệt và cũng không để ngân hàng lỗ.
HAGL đã vượt qua khó khăn thách thức trong quá trình đầu tư giai đoạn đầu. Nay cao su đã thành rừng, bước vào mùa thu hoạch thì những khó khăn chỉ mang tính chu kỳ. Phương án hỗ trợ là điều chỉnh kỳ hạn và lãi vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuẩn bị dòng tiền để trả nợ, từ đó phát triển bền vững hơn.
Vũ Lê