“Ngân hàng Nhà nước đã thông báo về kế hoạch bán ngoại tệ. Chúng tôi đang tổng hợp nhu cầu từ các ngân hàng thương mại để bán ra ổn định thị trường”, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói với VnExpress chiều 26/11.
Ngân hàng Nhà nước đã thông báo bán ngoại tệ. |
Từ đầu tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường ngân hàng liên tục biến động. Đến cuối giờ chiều nay, giá đôla Mỹ niêm yết tại Vietcombank ở mức 21.390-21.400 đồng, tăng 95 đồng ở chiều bán ra so với cuối tháng trước và tăng 15 đồng từ đầu tuần đến nay. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác như Eximbank, ACB, Techcombank cũng đẩy lên mức tương tự. Thị trường ngoại tệ ngân hàng đang ở vùng cao nhất kể từ cuối tháng 6.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết ngân hàng cũng có đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước, nhưng không tiết lộ chi tiết nhu cầu là bao nhiêu. Nhận định về việc tỷ giá biến động thời gian qua, ông cho hay chủ yếu do nhu cầu của các doanh nghiệp lên cao. “Doanh nghiệp tăng mua ngoại tệ cuối năm là nguyên nhân chính khiến tỷ giá liên ngân hàng tăng cao nhất trong vòng 5 tháng qua”, ông Toại nói. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này khẳng định nguồn cung trong hệ thống ngân hàng hoàn toàn đáp ứng đủ yêu cầu.
“Tiết kiệm ngoại tệ của ngân hàng không được cải thiện nhiều thời gian qua do lãi suất giảm, dân chúng không lưu giữ ngoại tệ khiến ngân hàng gặp không ít khó khăn trong việc cân đối cung-cầu. Song, hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhu cầu vẫn được ngân hàng đáp ứng ở mức cao nhất miễn là đảm bảo các điều kiện cần thiết”, đại diện ACB cho biết.
Thời điểm này hằng năm, ông Trịnh Xuân Lâm, Giám đốc Công ty may mặc xuất khẩu Tiên Du phải chạy đôn đáo nhiều ngân hàng để lo đủ vài chục triệu đôla Mỹ thanh toán hợp đồng cho đối tác. Nhưng năm nay, lý do để lãnh đạo doanh nghiệp “thảnh thơi” hơn không hẳn do nhu cầu ngoại tệ ít (khoảng 1-2 triệu USD) mà nguyên nhân chính là các ngân hàng xởi lởi với doanh nghiệp hơn.
“Mỗi tháng doanh nghiệp tôi có nhu cầu khoảng vài trăm nghìn đôla Mỹ, ngân hàng sẵn sàng mở hầu bao. Thậm chí nhiều ngân hàng còn chào mời doanh nghiệp mua bao nhiêu bán bấy nhiêu”, ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty đầu tư công nghệ OSB cũng phản ánh không thấy căng thẳng gì khi có nhu cầu về ngoại tệ với các nhà băng. “Cuối năm tỷ giá là điều làm doanh nghiệp đau đầu nhất, nhưng năm nay ngược lại ngân hàng rất hồ hởi chứng tỏ nguồn cung ngoại tệ cũng rất tốt”, vị này nhận định.
Trong khi đó, ông Đoàn Trọng Lý, Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) dù than phiền doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong khi tiếp cận nguồn ngoại tệ tại ngân hàng, nhưng cuối cùng vẫn mua được ngoại tệ bằng giá thỏa thuận.
Trong những lần tỷ giá bất ngờ tăng nóng hồi đầu tháng 10 và nửa cuối tháng 11 do những yêu tố tâm lý và tin đồn trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức phát đi thông điệp không điều chỉnh tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp trong trường hợp cần thiết. Với những cơ sở như dự trữ ngoại hối lên cao nhất từ trước tới nay (35 tỷ USD), cán cân thanh toán thặng dư trên 10 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tăng so với mọi năm, cơ quan này tin tưởng có thể đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trước ý kiến cho rằng tín dụng ngoại tệ đang “cứu cánh” cho tín dụng tiền đồng, đại diện một ngân hàng quốc doanh nhận định đúng hơn là “chỉ trong một thời gian nhất định” chứ đó không phải yếu tố quyết định. Ông cho hay thực tế năm nay tiết kiệm tiền gửi nội tệ các ngân hàng đều tăng trưởng khá hơn năm trước, do đó không có chuyện nhà băng phụ thuộc vào tiền gửi ngoại tệ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đôla Mỹ, euro hay một số đồng ngoại tệ khác có thể đóng góp mức độ nhất định cho tăng trưởng tín dụng của các nhà băng trong những tháng cuối năm, nhưng hiển nhiên ngân hàng không trông chờ vào điều này. Bởi theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng ngoại tệ hiện chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn ở mức 15% trong tổng dư nợ tín dụng. Nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước và nguồn vốn nước ngoài thì hệ số sử dụng vốn ngoại tệ khá thấp, chỉ khoảng 50-60%.
“Thị trường bắt đầu có đợt sóng tỷ giá mới do chu kỳ hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Cũng không loại trừ có khả năng nhập lậu vàng sẽ khiến khan nguồn đôla Mỹ hơn trong thời gian tới”, ông Hiếu nhận định. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, tỷ giá tăng cao dù bất kỳ lý do gì cũng không đáng lo ngại vì vẫn trong khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý.
Thành Tâm – Phương Linh