Trả lời VnExpress tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết trước nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách (trong đó có các dự án giao thông, hạ tầng…), cơ quan quản lý đang tính toán việc dùng nguồn tiền gửi của các tổ chức tín dụng trong nước tại nước ngoài để đầu tư.
“Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng phương án để có thể huy động được nguồn vốn này. Phương án đang được Chính phủ xem xét. Chúng tôi thấy rằng đây là một trong các giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như hoạt động của các ngân hàng hiện nay để có đóng góp thêm vào các nguồn ngân sách”, Phó thống đốc nhận định.
Việt Nam đang có nhu cầu vốn rất lớn cho các dự án giao thông. Ảnh: Chí Hiếu |
Câu chuyện vốn cho ngành giao thông đang được quan tâm nhất là khi hàng loạt dự án quy mô lớn được cấp tập đầu tư và triển khai. Cuối năm ngoái, các dự án được gỡ khó phần nào khi ngân hàng hồ hởi cấp tín dụng cho giao thông. Tuy nhiên từ giữa năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã siết lại vì e ngại rủi ro.
Trong khi đó, phương án phát hành trái phiếu tài trợ cho các dự án được đánh giá là không khả thi vì nợ công của Việt Nam đã ở mức khá cao (66,4% GDP theo một số tính toán gần đây). Tại phiên họp báo chiều nay, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho biết cơ quan điều hành không tính đến phương án trái phiếu nói trên.
Tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu tổ chức trước đó một ngày, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay trong 5 năm tới, Việt Nam cần 50 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do vướng quy định trần nợ công, nguồn vốn vay ODA sẽ chỉ đáp ứng được 28% tổng nhu cầu, hơn 70% còn lại phải trông chờ vào vốn tư nhân, xã hội hóa.
Ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho biết Việt Nam đang có vấn đề về trần nợ công nên các hoạt động cho vay hay đi vay sẽ phải đáp ứng những yêu cầu về mức trần này.
Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cảnh báo về rủi ro nợ công của Việt Nam khi hợp đồng bảo hiểm nợ xấu (CDS) 5 năm tính đến giữa tháng 9 ở mức 260 điểm, cao nhất kể từ tháng 1/2014, phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài đối với tình hình nợ của quốc gia.
“Vấn đề quản lý nợ công sẽ tiếp tục là một thách thức trong năm 2016, nhất là trong bối cảnh phát hành trái phiếu Chính phủ đang gặp khó khăn”, báo cáo cho hay.
Trước đó, Chính phủ từng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước nhằm bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia. Lãnh đạo Bộ Tài chính hồi cuối tháng 7 cũng thông tin cơ quan này đề nghị vay tạm ứng Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng, tương đương 1,37 tỷ USD để bù đắp thiếu hụt trong năm.
Về nguồn tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại nước ngoài, đây vốn là nghiệp vụ thông thường của các nhà băng để đầu tư cũng như chia sẻ rủi ro. Chẳng hạn hồi năm 2011, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng xác nhận có khoản ký gửi khoảng 350 triệu USD cho một quỹ đầu tư tại Mỹ. Khoản tiền này khi đó đã được thu hồi với cả gốc và lãi.
Chí Hiếu – Huyền Thư