Đều là những quốc gia bị đẩy ra rìa các hoạt động chính của châu Âu, một phần vì cá tính của lãnh đạo hai nước, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tìm cách hỗ trợ lẫn nhau và xây dựng mối quan hệ cả về chính trị lẫn kinh tế. Tuy nhiên, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hôm đầu tuần, mối quan hệ này đang bị giới quan sát đặt dấu hỏi.
Nga có thể hủy các dự án chung với công ty Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế nhập khẩu hàng từ nước này để trả đũa. Tuy nhiên, họ sẽ không muốn để việc này ảnh hưởng đến năng lượng – mấu chốt mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, Reuters nhận xét.
Xuất khẩu năng lượng từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ là mảnh ghép lớn nhất của mối quan hệ này. Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua khí đốt tự nhiên Nga lớn nhì thế giới, sau Đức. Mỗi năm, Gazprom của Nga cung cấp tới 27 tỷ m3 khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương gần 70% tổng tiêu thụ của nước này.
Mới giữa tháng trước, Thứ tưởng Bộ Ngoại giao Nga – Alexei Meshkov còn cho biết thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt 100 tỷ USD khi các dự án năng lượng trở thành động lực thắt chặt quan hệ kinh tế. Thương mại giữa hai nước này đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.
“Mục tiêu của chúng tôi là đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại, và điều này là khả thi, do nền kinh tế 2 nước có quan hệ bổ sung. Mục tiêu này đã có nhiều tiến triển rồi. Dĩ nhiên, các dự án như nhà máy năng lượng hạt nhân – Akkuyu hay đường ống Turkey Stream sẽ là động lực để phát triển”, ông cho biết.
Mỗi năm, Nga cung cấp tới 27 tỷ m3 khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương gần 70% tổng tiêu thụ của nước này. Ảnh: AP |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ – Recep Tayyip Erdogan cũng kỳ vọng kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD năm 2023, trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nga – Vladimir Putin hồi tháng 9. Con số này cuối năm ngoái ước tính hơn 30 tỷ USD.
Năm 2010, hai nước đã ký thỏa thuận xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Mersin (Thổ Nhĩ Kỳ), trị giá 20 tỷ USD. Việc xây dựng nhà máy Akkuyu công suất 4.800 tỷ megawatt sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm chi phí sản xuất điện và chi phí năng lượng. Giai đoạn một dự kiến hoàn thành năm 2020 và toàn bộ công trình hoàn tất năm 2023.
Một dự án lớn khác của hai nước là đường ống Turkish Stream để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua Biển Đen. Với công suất 63 tỷ m3 mỗi năm, 16 tỷ m3 sẽ được tiêu thụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại chuyển tới châu Âu. Việc xây dựng đường ống dự kiến bắt đầu từ tháng 6 năm nay, nhưng đang bị trì hoãn do các bên còn vướng mắc nhiều vấn đề.
Nếu các dự án này gặp trục trặc, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn chịu thiệt. Tuy nhiên, Nga cũng đang phải phụ thuộc bán khí đốt cho nước láng giềng để bổ sung vào ngân sách vốn đang co lại vì giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Dừng bán khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quyết định rất khó khăn, khi các thị trường xuất khẩu đang co lại. Mất thị trường lớn như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là yếu tố nhạy cảm với cả ngân sách quốc gia và Gazprom”, Mikhail Krutikhin – nhà phân tích tại hãng tư vấn RusEnergy nhận định.
Bên cạnh đó, việc Nga hạn chế nguồn cung chẳng khác nào gửi thông điệp đến các khách hàng khác, rằng bán khí đốt còn phụ thuộc vào chính trị. Và khi nhu cầu thế giới đang thấp như hiện nay, Moscow sẽ rất khó tìm khách hàng thay thế.
Ngoài năng lượng, Nga – Thổ Nhĩ Kỳ còn có mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác. Các khu nghỉ dưỡng ven biển của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những điểm đến ưa thích của người Nga. Nga hiện là nguồn khách du lịch lớn thứ nhì của nước này, sau Đức. Khoảng 4,4 triệu người Nga, trong đó có 3,3 triệu khách du lịch, đã tới đây năm 2014.
Theo RT, ngành du lịch đóng góp 11% GDP cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 170 tỷ USD. Vì vậy, các chuyến bay từ Nga bị gián đoạn sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất 30 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, từ sau khi Moscow cấm nhập thực phẩm phương Tây từ năm ngoái, để trả đũa các lệnh cấm quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã dần trở thành nguồn cung chính cho nước này. Năm 2014, khoảng 4% xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là dệt may và thực phẩm, trị giá 6 tỷ USD là vào Nga, Renaissance Capital cho biết.
Giới phân tích cho rằng hai nước sẽ không muốn có thêm các bước đi làm tăng thiệt hại đôi bên, nhất là khi hai nền kinh tế đều đang rất chật vật. GDP Nga được dự báo giảm 4% năm nay, do tác động từ cả giá dầu thấp lẫn các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Andrei Kostin – Giám đốc VTB hôm qua cho biết chính trị và kinh tế nên được tách riêng. “Tôi không muốn làm phức tạp thêm tình hình hiện tại. Thế giới đã có rất nhiều sự kiện tiêu cực rồi”, ông nói.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo chỉ tăng trưởng dưới 3% năm nay – dưới mục tiêu của Chính phủ. Nguyên nhân là bất ổn chính trị trong nước và xung đột tại Trung Đông.
“Ông Erdogan là người rất cứng rắn. Và nếu Nga đẩy các động thái trả đũa đi quá xa, tôi cho rằng phản ứng tương tự từ Thổ Nhĩ Kỳ là khó tránh khỏi. Nhưng tôi nghĩ rằng họ đều hiểu các động thái này sẽ có hại cho cả hai bên”, Timothy Ash – nhà phân tích tại Nomura kết luận.
Hà Thu