Mua sắm qua thiết bị di động tăng mạnh

Sự kiện Tiếp thị di động “Go mobile first” do Hiệp hội mobile marketing toàn cầu MMA tổ chức hôm 30/7, tại TP HCM thu hút nhiều đại diện các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực di động như: Google APAC, Zalora APAC, Vietel,  Lazada… tham gia.

Bà Lê Ngọc Hạnh, đại diện Công ty bán hàng trực tuyến Lazada Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 50% đơn đặt hàng tại Lazada Việt Nam là qua các thiết bị di động, trong khi hồi đầu năm chỉ chiếm khoảng 22% tổng đơn đặt hàng. Đáng chú ý, giá trị các đơn hàng cũng lớn hơn. Cụ thể, 6 tháng đầu năm lượng đơn hàng của công ty qua giao dịch thiết bị di động tăng 2,5 lần nhưng doanh thu lại tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

mobile-3487-1438316991.jpg

Mua sắm qua thiết bị di động đang tăng mạnh.

Tương tự, theo bà Candice Ong, Giám đốc vùng của Tập đoàn thương mại điện tử Zalora, trước xu hướng người dùng thiết bị di động trong giao dịch ngày càng tăng, Zalora đã tăng cường đầu tư, bổ sung những giao diện trên thiết bị di động thật theo hướng thật tiện lợi nhằm tăng lượng đơn hàng.

“Chúng tôi xem kinh doanh qua thiết bị di động và qua desktop là một bộ phận không thể tách rời, tạo sự gắn kết với nhau, để có thể tiếp cận khách hàng dù họ sử dụng phương tiện nào”, bà Ong nói.

Theo báo cáo của Google về thị trường Việt Nam năm 2015, hiện cứ 3 người xem tivi thì có một người vừa xem vừa sử dụng điện thoại, xem các nội dung không liên quan đến chương trình tivi. “Thói quen của người dùng Việt Nam đang chuyển dịch từ tivi, máy tính cá nhân sang điện thoại. Tỷ trọng sử dụng điện thoại cao hơn hẳn những công cụ khác. Lấy youtube làm ví dụ, hơn một nửa người dùng xem clip youtube bằng điện thoại, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 230%”, ông Phil Mattia, Giám đốc Mobile, giải pháp thương hiệu khu vực châu Á Thái Bình Dương của Google chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp, mặc dù hạ tầng di động của Việt Nam chưa tốt nhưng chi phí cho người sử dụng dịch vụ hạ tầng này lại khá thấp và được xem là rẻ nhất trên thế giới hiện nay, tạo thuận lợi để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng qua nền tảng các thiết bị di động.

Ông Satyajit Ghosh, Giám đốc truyền thông của Unilever Việt Nam cho rằng các thiết bị di động là nền tảng hữu ích để doanh nghiệp tương tác với nhiều đối tượng người dùng, từ thành thị đến nông thôn. “Để tấn công thị trường đô thị, phải lấy smartphone làm át chủ bài và đẩy mạnh những nội dung trên Internet như ứng dụng, quảng cáo tương tác, các nội dung tiếp thị mới. Còn với thị trường nông thôn, cần ưu tiên hình thức và nội dung đơn giản như gọi điện, nhắn tin”, ông Ghosh chia sẻ.

Không quá thua kém thị trường thành phố, khu vực nông thôn đang có tốc độ gia tăng các thiết bị di động nhanh chóng, thậm chí qua khảo sát của Adtima – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mobile marketing (tiếp thị di động) cho thấy người nông thôn sử dụng thiết bị di động với thời gian dài hơn người thành thị, trung bình 3 giờ một ngày so với người thành thị là 2,8 giờ mỗi ngày.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực mobile marketing, dù là doanh nghiệp nhỏ hay lớn, tiếp cận khách hàng thành thị hay nông thôn, một chiến dịch mobile marketing cần được tiến hành trên một hệ sinh thái bao gồm các nền tảng quảng cáo di động như ứng dụng nhắn tin (OTT), ứng dụng tin tức, ứng dụng nghe nhạc và video… Nhưng lưu ý khi triển khai mobile marketing, doanh nghiệp cần hiểu về hành vi, thói quen sử dụng di động của người dùng. Sau đó doanh nghiệp tương tác với họ trên mọi công cụ di động bằng những nội dung sáng tạo, hấp dẫn và đánh vào yếu tố cá nhân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tối ưu hoá website cho di động để tăng cường sự hiện diện trang web của mình trên công cụ tìm kiếm các trang mạng xã hội. Ông Phil Mattia khẳng định, di động sẽ là tương lai của thị trường Việt Nam.

Theo số liệu từ We Are Social, công ty có trụ sở tại Anh, dân số Việt Nam 90 triệu nhưng có đến hơn 128 triệu thuê bao di động, 40 triệu người dùng Internet, 28 triệu tài khoản mạng xã hội chủ yếu facebook. Trong 28 triệu người dùng facebook đó, 24 triệu người lướt mạng xã hội này bằng điện thoại di động.

Riêng nghiên cứu mới mới đây của Viện Gallup (Mỹ) cho thấy 43% người Việt Nam có Internet tại nhà, 94% có điện thoại di động, 37% có điện thoại thông minh. Tỷ lệ người sử dụng Internet bằng di động lên tới 31%, trong khi máy tính bàn là 18% và máy tính xách tay là 10%.

Nguyễn Vinh

0913.756.339