Ma trận ‘quân xanh, quân đỏ’ trong đấu thầu

Từng đứng đầu một doanh nghiệp xây dựng lớn, thường xuyên tham gia đấu giá các dự án hạ tầng, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) quá hiểu tình trạng này.

Ông Nam dẫn chứng, có địa phương giao cho Trung tâm đấu giá đất tổ chức đấu thầu 3ha với đề bài là quy hoạch trung tâm thương mại, giá khởi điểm mỗi m2 là 30 triệu đồng.

Sau khi nghiên cứu dự án, hầu hết doanh nghiệp đều “bỏ chạy” vì thấy không khả thi. Đến sát ngày đấu thì một nhà đầu tư được “chỉ định” mua hồ sơ thầu và đương nhiên trúng. Thế nhưng, dự án trung tâm thương mại đã không được triển khai, và công ty trúng thầu sau 6 tháng đã xin chuyển đổi mục đích sang xây chung cư rồi phân lô bán với giá mỗi m2 lên đến 60 triệu đồng.

ma-tran-quan-xanh-quan-do-trong-dau-thau

Ông Thân Đức Nam cho rằng tình trạng “quân xanh, quân đỏ” rất phổ biến khi đấu giá. Ảnh: VPQH

“Như vậy, giá trị khu đất đã tăng lên gấp đôi nhưng Nhà nước không thu được phần này, trong khi quy hoạch đã bị thay đổi mà người đưa ra đề bài ban đầu cũng không chịu trách nhiệm gì”, ông Nam phân tích.

Vị này bình luận: “Nếu đưa ra tiêu chí, phải làm đúng theo quy hoạch, điều kiện ban đầu. Còn nếu không làm đúng, điều chuyển quy hoạch do lý do khách quan thì phải buộc nhà đầu tư nộp tiền vào ngân sách, nếu không người đưa ra chủ trương phải chịu trách nhiệm vì làm thất thoát tài sản Nhà nước”.

Nguyên nhân của tình trạng thông thầu, quân xanh, quân đỏ nói trên, theo ông Nam là do khung pháp luật thiếu chặt chẽ, đạo đức đấu giá viên yếu kém, thậm chí là tham nhũng, tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ.

Đại biểu đoàn Đà Nẵng cho rằng, Quốc hội đang thảo luận rất nhiều về tình trạng ngân sách khó khăn, song khoản thất thoát này rất lớn mà cơ quan quyền lực có thể bịt được bằng việc xây dựng chế tài trong Luật Đấu giá tài sản.

“Từ kinh nghiệm thực tế hoạt động đấu thầu, tôi đề nghị dự án luật cần tập trung chế định chặt chẽ, không để chỗ hở cho người tiêu cực, lợi dụng gây thất thoát tài sản Nhà nước”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), để giải quyết tận gốc tình trạng trên thì nhất thiết phải minh bạch tối đa các khâu của quá trình đấu giá. “Bên cạnh đó, ta phải tạo ra những doanh nghiệp phát triển bằng uy tín. Đây là con đường mà các nước có tổ chức đấu giá lớn phải đi”, ông Lịch nói và nhận định thêm, hiện nay Việt Nam có tình trạng coi trọng bằng cấp các định giá viên mà coi nhẹ vấn đề đạo đức.

Đồng tình quan điểm, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng Luật phải có quy định ngăn chặn ngay tình trạng quân xanh, quân đỏ. Không thể để các đối tượng này làm thất thoát ngân sách. Cần yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay việc tổ chức đấu giá khi thấy có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu thầu.

ma-tran-quan-xanh-quan-do-trong-dau-thau-1

Đại biểu La Ngọc Thoáng nói cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp đấu giá thay thế các hội đồng nhà nước. Ảnh: VPQH.

Trong khi đó, theo đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), trong ba loại hình gồm: doanh nghiệp, 63 trung tâm đấu giá trực thuộc địa phương và hội đồng đấu giá được thành lập theo cơ chế riêng thì hai loại hình sau dễ nảy sinh tiêu cực hơn cả.

Cụ thể, với mô hình hội đồng đấu giá, ông Thoáng cho rằng do không theo cơ chế thị trường, không hoạt đồng thường xuyên, thiếu tính chuyên nghiệp nên cần phải thu hẹp loại hình này.

“Hội đồng đấu giá chỉ áp dụng khi không thuê được doanh nghiệp đấu giá hoặc doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí”, Trưởng đoàn Cao Bằng kiến nghị.

Với 63 trung tâm đấu giá địa phương, theo ông Thoáng, đây là “tồn tại lịch sử”, không còn phù hợp trong xu thế hội nhập. Do vậy, về lâu dài không nên để các trung tâm này tồn tại mà cần xác định khoảng thời gian chuyển tiếp tầm 5 năm là phù hợp. “Đây là các trung tâm có nhiều kinh nghiệm nên tôi tin rằng khi chuyển sang doanh nghiệp sẽ hiệu quả và phát triển”, ông Thoáng lạc quan.

Đây là lần đầu Quốc hội cho ý kiến về Luật Đấu giá tài sản. Dự kiến dự án luật này sẽ được cơ quan quyền lực cho ý kiến thêm một lần nữa trước khi biểu quyết thông qua tại kỳ họp đầu năm 2016.

Chí Hiếu

0913.756.339