Lý do Trung Quốc phá giá đồng tiền

Nhân dân tệ (NDT) đã xuống đáy 4 năm so với USD, sau động thái hạ tỷ giá tham chiếu thêm 1,6% sáng nay. Tỷ giá giao dịch tại Trung Quốc đã rơi xuống 6,44 NDT đổi một USD – thấp nhất từ tháng 8/2011. Trên thị trường quốc tế, giá này còn xuống 6,57 NDT.

Động thái của Trung Quốc đã khiến nhiều tiền tệ châu Á mất giá theo. Rupiah Indonesia và ringgit Malaysia đã xuống đáy 17 năm so với USD. Trong khi đó, đôla Australia và đôla New Zealand xuống thấp nhất 6 năm.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Đến 4h chiều nay, Nikkei 225 (Nhật Bản) đã mất 1,5%, Hang Seng Index trên sàn Hong Kong cũng giảm 3,9%. S&P/ASX 200 (Australia) mất 2,67%. Tại châu Âu, các thị trường mới mở cửa cũng đã phát tín hiệu giảm. FTSE 100 (Anh) mất 0,6%. Mức giảm này của DAX (Đức) là 0,9% và CAC (Pháp) là 0,6%.

china-8736-1439372452.jpg

Một người bán hàng tại Bắc Kinh đang thanh toán cho khách bằng nhân dân tệ. Ảnh: NYT

Theo New York Timescó 2 lý do khiến Chính phủ Trung Quốc muốn hạ giá nội tệ đến vậy. Một là để thúc đẩy nền kinh tế, duy trì tăng trưởng và việc làm. Hai là nâng cao quyền lực cho đồng NDT, giúp nước này dễ dàng thực hiện các mục tiêu ngoại giao và củng cố vai trò trung tâm của họ trên nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu của họ là NDT được chấp nhận làm đồng tiền thanh toán, đầu tư và dự trữ tại nhiều khu vực trên thế giới.

Thông thường, những mục tiêu này khá mâu thuẫn. Nhưng với động thái 2 ngày nay, Trung Quốc đã một mũi tên trúng hai đích.

Nội tệ yếu sẽ hỗ trợ xuất khẩu khi khiến hàng hóa nước này ít đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới. Cuối tuần trước, Trung Quốc công bố số liệu cho thấy xuất khẩu tháng 7 giảm 8,3% và chỉ số giá sản xuất cũng đang hướng tới năm giảm thứ 4 liên tiếp. Bộ Thương mại nước này cũng thừa nhận hạ giá tiền tệ sẽ có tác động tích cực lên xuất khẩu.

Động thái của Trung Quốc đang được Mỹ theo dõi sát sao. Hôm qua, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích nước này đang tạo lợi thế bất bình đẳng cho các hãng xuất khẩu và có thể làm gay gắt các cuộc nói chuyện tháng 9, khi Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình tới thăm Washington. Hai nước vốn đã có nhiều vấn đề bất đồng, từ an ninh mạng đến tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Dù vậy gân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sáng nay lại giải thích họ chỉ đang phản ánh sát hơn diễn biến trên thị trường, đồng thời khẳng định sẽ không hạ giá liên tục. “Nhìn vào tình hình trong nước và quốc tế, rõ ràng không có cơ sở nào để nhận định NDT sẽ liên tục đi xuống”, cơ quan này cho biết.

Biến động giá NDT trong 2 ngày qua là rất đáng chú ý. Do Chính phủ Trung Quốc luôn kiểm soát chặt giao dịch, nhờ các biện pháp hạn chế lưu chuyển vốn và hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối. Thường thì NDT chỉ tăng giảm vài điểm cơ bản (100 điểm cơ bản bằng 1%) so với USD. Lần biến động lớn nhất năm nay mới chỉ là 0,16%.

Biến động 2% không phải quá lớn với một đồng tiền, kể cả là tiền tệ lớn. Đây cũng không phải việc có thể khiến giới truyền thông xôn xao cho là phá giá. Năm ngoái, euro còn mất 18% so với USD và yen Nhật mất tới 22%. Nhưng điều khiến động thái của Trung Quốc được quan tâm là nó chứa thông điệp về cách Trung Quốc quản lý tiền tệ và nền kinh tế, cũng như vai trò của nước này trong hệ thống kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc rõ ràng đang trong thời kỳ khó khăn, và có thể còn tệ hơn người ta nghĩ. Tăng trưởng đã giảm từ hai chữ số vài năm trước, xuống chỉ còn 7% gần đây. Mô hình phát triển dựa chủ yếu vào đầu tư và xuất khẩu cũng đã mất tác dụng. Và thị trường chứng khoán sụp đổ tháng trước lại càng khiến người ta lo ngại.

Để NDT bám sát diễn biến của USD cũng có nhiều lợi ích. Nhưng năm ngoái, chính sách này cũng khiến Trung Quốc phải trả giá lớn. Đó là khi USD tăng giá, NDT cũng mạnh lên so với các đối tác thương mại, trong khi nền tảng kinh tế Trung Quốc cho thấy lẽ ra nó phải giảm.

Trung Quốc đang muốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế toàn cầu. Và một trong những mảnh ghép quan trọng để làm được điều đó là đưa NDT thành tiền tệ dự trữ. Lợi ích của đôla Mỹ và euro đã vượt xa biên giới quốc gia. Và Trung Quốc cũng muốn NDT có vai trò tương tự trong tài chính và thương mại toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á.

Tuy nhiên, NDT không thể trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu khi Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế kiểm soát mà họ cho là cần thiết để quản lý kinh tế trong nước. Đồng đôla sẽ không đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu, nếu Mỹ không cho phép tự do trao đổi với các tiền tệ khác, và không sử dụng luật pháp, can thiệp để giữ giá không biến động theo thị trường.

Nói cách khác, Trung Quốc vừa muốn đạt mục đích ngoại giao khi NDT trở thành tiền tệ quan trọng trên thế giới, vừa không muốn kinh tế trong nước phải trả giá.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố NDT vẫn chưa sẵn sàng để được bổ sung vào rổ tiền tệ dự trữ trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của cơ quan này. Rổ này hiện gồm USD, euro, yen Nhật và bảng Anh. Tổng giám đốc IMF – bà Christine Lagarde cho biết Trung Quốc cần khiến tiền tệ của mình “được sử dụng tự do hơn”. Và động thái 2 ngày nay, nhằm đưa giá NDT gần hơn với thị trường, chính là một nước đi để đạt được điều đó.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã rất hoan ngênh việc làm này. Goldman Sachs cũng nhận định hạ giá NDT sẽ giúp nước này linh hoạt hơn khi đối phó với đồng đôla mạnh, trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất.

Dù vậy, việc này cũng không có nghĩa Trung Quốc không phải trả giá. Nội tệ yếu cũng có nghĩa lạm phát nước này sẽ tăng lên. Đồng thời, khối nợ nước ngoài của các công ty cũng nặng theo khi phải đổi NDT ra USD. Việc này có thể châm ngòi cho nhiều vụ phá sản. Quan trọng hơn cả, trong dài hạn, khi Trung Quốc thả nổi tiền tệ, họ sẽ phải từ bỏ công cụ quan trọng đã sử dụng nhiều năm nay để quản lý kinh tế trong nước và bảo vệ quốc gia khỏi các tác động bên ngoài. Chính phủ Trung Quốc vẫn thường lưỡng lự trong việc từ bỏ quyền lực này. Đó là lý do vì sao động thái của họ 2 ngày nay khiến thị trường sửng sốt.

Nhưng một lựa chọn chính sách rất hiếm khi khi có thể giúp một quốc gia đạt 2 mục đích lớn cùng lúc. Vì vậy, cơ hội này xuất hiện, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn sẵn sàng từ bỏ một chút quyền lực để vừa có kết quả tốt trong nước, vừa nâng cao vai trò tại nước ngoài.

Hà Thu (theo New York Times)

0913.756.339