Hà Nội vốn là thành phố (TP) được xây dựng dành cho người đi bộ với vỉa hè rộng rãi, có hai hàng cây bóng mát, đường phố không quá lớn để tạo nên những ngã tư vừa đủ để người đi bộ vượt qua một cách bình thản mà không e ngại.
>>Đường đi bộ và chợ trên cao ở Manila (Philippines)
Những quảng trường, công trình kiến trúc bên đường tạo sự hấp dẫn để người đi trên phố cảm nhận khung cảnh phố phường một cách sinh động và cuốn hút, bước chân nối tiếp trên những nẻo đường Hà Nội trong một thế kỷ đô thị hóa (1895-1995)…
Chỉ vài chục năm đầu thế kỷ 21, Hà Nội yên bình đã biến mất để trở nên ầm ĩ , bụi bặm, ô tô, xe máy… Cái việc đi bộ dạo bước trên đường phố Hà Nội có khi được coi là “xa xỉ”.
Đường phố Hà Nội đi bộ và xe đạp năm 1981 (ảnh tại triển lãm “Spirit of place – Mảnh đất hóa tâm hồn” của John Ramsden- HN2013, Hanoidata ST&BT) |
Không chỉ riêng Hà Nội, khung cảnh đường phố tắc nghẽn do tràn ngập ô tô, xe máy, đường đi bộ bị thu hẹp đã có ở hầu hết các thành phố tại VN và trên thế giới. Từ những TP bình dân như Bankok (Thailand), Manila (Philippin), Jakata (Indonesia)… đến những TP giàu có như Tokyo và các nước châu Âu đã vậy hay đã từng như vậy. Tuy nhiên , những nơi đó gần đây xuất hiện nhiều sáng kiến để giành giật lại không gian đi bộ, xe đạp an toàn trong phố, dưới đây là những ví dụ:
Tại Hà Nội 2014 , cô giáo và nhân viên trật tự chặn xe cơ giới để học sinh đi bộ qua đường. Còn tại khu phố chợ Manila 2012 ( Philippines) , người dân dùng lốp cao su làm lằn giảm tốc |
Không chỉ dành đường cho đi bộ an toàn, đường phố xe cộ chen chúc vào ban ngày, còn buổi chiều khi xe cộ vắng hơn, thanh niên chơi bóng rổ trên vỉa hè, phải chăng đây là một giải pháp khai thác đường phố một cách linh hoạt vào các thời điểm hoạt động khác nhau, nhằm tăng cường hoạt động trên đường phố nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các hoạt động tưởng chừng rất xung đột vẫn có thể thương lượng một cách hợp lý.
Một lối đi bộ kết hợp đi xe đạp trên vỉa hè Tokyo (Nhật Bản)- một cách bố trí đường đi bộ với đi xe đạp – 2 phương tiện có thể kết hợp an toàn. Trên lối đi bộ có một hàng gạch nổi dành cho người khiếm thị dò đường, họ có thể đi khắp thành phố mà không cần người dẫn đường, những ký hiệu trên nền đường giúp họ định hướng và tìm các địa điểm với chỉ dẫn bằng ngôn ngữ dành riêng.
Chơi bóng rổ trên lòng đường phố Manila 2012 và vỉa hè Tokyo 2011 với đường đi bộ , xe đạp, lối đi cho người khiếm thị (ảnh của TG , Hanoidata ST&BT) |
Tuy vậy cần có những can thiệp phù hợp: Bố trí thảm cỏ, dải cây xanh bên vỉa hè vừa có chức năng giãn cách, vừa giảm lượng bụi phát tán trên mặt đường, lại tạo cảnh quan hấp dẫn . Bên lối đi bộ cần có bảng chỉ dẫn và những bức tường của các công trình kiến trúc ven đường cũng được trang trí cây leo, khách bộ hành có thể cảm nhận đường phố một cách an toàn và đầy cảm hứng – đó là khung cảnh Tokyo giàu có.
Vỉa hè Tokyo 2011 và Manila 2012, đường đi bộ trang trí bằng cây xanh , thảm cỏ (ảnh của TG , Hanoidata ST&BT) |
Tại quận Malate -phố cổ của Manila (Philippines), bên đầu hồi khách sạn cao tầng, men theo những bức tường tẻ nhạt là một lối đi nhỏ được trồng cây, rào chắn tách khỏi những khói bụi từ những chiếc Jeepny ồn ào náo nhiệt, đó là sáng kiến “Dự án Đường đi bộ thân thiện của bạn” kêu gọi cộng đồng tạo lập đường phố Xanh – Sạch ngay giữa Thủ đô nổi tiếng có nhiều khu “ổ chuột” nhếch nhác.
Tùy theo điều kiện kinh tế xã hội mà từng nơi có những giải pháp khác nhau, nhưng có chung một yêu cầu lối đi bộ phải an toàn: những tấm biển chỉ dẫn dễ nhận biết, vạch sơn chỉ định ưu tiên lối đi bộ hay xe đạp.
Lối đi bộ với bảng chỉ dẫn trên cao và vạch sơn nền đường với dải phân cách cứng và mềm tại Tokyo – Nhật Bản và Dublin – Ai Len (ảnh của TG , Hanoidata ST&BT) |
Để giãn cách không gian đi bộ an toàn với phương tiện cơ giới: có thể bằng lan can thép, có thể bằng những dải cây xanh và cũng có thể làm bằng tre, nứa kết hợp với cây xanh:
Lối đi bộ có lan can thép tách riêng với đường đi xe đạp tại Stockhom -Thụy Điển và rào tre trên vỉa hè Tokyo – Nhật Bản (ảnh của TG , Hanoidata ST&BT) |
Tại Việt Nam, hàng rào tre đã trở nên thân thuộc hàng ngàn năm nay, ta có thể nhìn thấy nó khắp các miền quê đất nước. Tại Hà Nội, nhiều vị trí có thể dùng để rào tre bảo vệ an toàn cho người đi bộ, vừa tạo cảnh quan đường phố đẹp mắt. Việc làm đơn giản, chi phí thấp rất đáng để các KTS , KS giao thông, các nhà quản lý đô thị quan tâm.
Hàng rào tre + cây hoa ở bản Lác ( Hòa Bình) và trên đường vành đai 3 Hà Nội : rẻ tiền, dễ làm và rất phù hợp trong việc phân giới bảo vệ lối đi bộ an toàn trong thành phố. |
Tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đang thực nghiệm “tuyến đường đi bộ an toàn đến trường” do các kiến trúc sư, sinh viên tình nguyện triển khai. Dự án đã khảo sát thiết kế mạng lưới đường đi bộ trong phường, tổ chức hoạt động, vận hành, khuyến nghị các giải pháp quản lý và thi công một số hạng mục để đi bộ được an toàn kết hợp làm đẹp cảnh quan.
Rào tre tách lối đi bộ với đường giao thông có nhiều ô tô xe máy. Học sinh trường tiểu học Hạ Đình ( quận Thanh Xuân , HN) đi bộ đến trường với sự hướng dẫn của các tình nguyện viên tại cộng đồng ( ảnh của TG , Hanoidata ST&BT) |
Dự án tuy nhỏ và mới ở giai đoạn thủ nghiệm, nhưng tạo niềm tin rằng: nếu muốn, chúng có thể tổ chức mạng lưới đường đi bộ an toàn cho tất cả những nơi nào trong thành phố Hà Nội.
Hà Nội cuối năm 2013, tháng 10 năm 2014
Trần Huy Ánh
Và các KTS, SV tình nguyện: Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Anh Vũ, Bùi Thanh Kiều