Riêng quý III năm nay, Việt Nam đã phải chịu sức ép đến từ việc giá dầu thô giảm liên tục và bất ổn kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại quan trọng. “Ở trong nước, giá dầu thế giới giảm mạnh đã khiến giá dầu trong nước giảm, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và ngân sách Nhà nước”, Tổng cục Thống kê đánh giá.
Từ đầu năm đến 15/9, tổng thu ngân sách đạt 640.400 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, thấp hơn mức 76% cùng thời điểm năm ngoái. Trong đó, thu từ dầu thô – đóng góp khoảng 10%, mới đạt 53% dự toán do giá dầu giảm gần một nửa so với 9 tháng đầu năm 2014. Nguồn thu chỉ được kéo lại nhờ các khoản thu nội địa khi điều chỉnh chính sách thu đối với tài nguyên và thuế bảo vệ môi trường với xăng…
Xuất khẩu dầu thô 9 tháng tuy tăng 4,7% về lượng nhưng lại giảm tới 47% kim ngạch, tương đương 2,7 tỷ USD, ảnh hưởng không nhỏ đến tổng giá trị xuất khẩu của các địa phương cũng như cả nước. Theo báo cáo của TP HCM, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt hơn 22,4 tỷ USD, giảm gần 6% so với cùng kỳ (năm ngoái tăng 4%). Lãnh đạo thành phố lý giải xuất khẩu không đạt mục tiêu là do giá dầu giảm, nếu không tính mặt hàng này, kim ngạch của thành phố phải tăng 8% so cùng kỳ. Với cả nước, xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước tăng 10%, thấp hơn mức tăng 14% một năm trước.
Việt Nam cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để gia tăng tính cạnh tranh khi thị trường toàn cầu ngày càng có nhiều yếu tố bất định. Ảnh: Anh Quân |
Thêm vào đó, Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp trong tháng 8 cũng khiến thị trường Việt Nam nổi sóng. “Nền kinh tế, với kim ngạch xuất khẩu tương đương 80% GDP, không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng từ những biến động này”, chuyên viên phân tích Dương Mỹ Thanh của Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định.
Ngân hàng Nhà nước không còn lựa chọn nào khác là buộc phải phá vỡ cam kết, phá giá tiền đồng lần thứ 3 trong năm nay, khiến mức tăng từ đầu năm lên 3%, biên độ giao dịch nới từ 1% lên 3%. Giá USD ngân hàng thiết lập mặt bằng mới, mua vào – bán ra ở mức 22.450 – 22.510 theo tỷ giá Vietcombank, tăng hơn 5% so với cuối năm ngoái. Nhà điều hành cũng phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường. Theo một bản tin phân tích phát ra đầu tháng 9, Bản Việt thống kê từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước có thể đã bán ra thị trường khoảng 3 tỷ USD.
Hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn cũng khiến nhập siêu thêm phức tạp. 9 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 21%, điện thoại các loại tăng 18,8%, vải tăng 12,6%.
Cuối quý, thị trường trải qua một đêm hồi hộp khi Mỹ họp về vấn đề lãi suất. Ông Cấn Văn Lực – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết đêm đó, cán bộ quản lý của BIDV cũng phải thức đến 2h sáng để canh tin lãi suất, sau đó nhắn tin cho cấp điều hành cao hơn để có quyết sách. Nếu lãi suất đôla Mỹ tăng, rất có thể thị trường tài chính quốc tế và cả Việt Nam lại thêm một phen thử lửa khi tỷ giá biến động và các dòng vốn đảo chiều, nhưng cuối cùng, quyết định này đã được lùi lại, thị trường có thêm thời gian để ứng phó.
Vượt qua các cú sốc, điều đáng ghi nhận là nền kinh tế đã hạn chế được tối thiểu sự “vạ lây” từ các tác nhân này, thể hiện qua niềm tin người tiêu dùng vẫn diễn biến tích cực. 9 tháng năm nay, chỉ số niềm tin tiêu dùng do ANZ công bố bình quân 138,9 điểm, cao hơn 5 điểm so với mức bình quân năm 2014.
“Việt Nam tiếp tục khẳng định sự bình ổn đáng kể của mình khi là nền kinh tế duy nhất ở châu Á không có ghi nhận tăng trưởng âm về xuất khẩu và nhập khẩu. Việt Nam đã mạnh mẽ thoát khỏi sự suy thoái kinh tế trong khu vực”, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ – ông Glenn Maguire cho biết.
Quý III, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,81%, cao hơn hai quý trước, đưa GDP 9 tháng ước tăng 6,5%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua và vượt mọi dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo GDP 9 tháng tăng 6,4%, hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng triển vọng của Việt Nam trong bối cảnh hạ dự báo tăng trưởng của châu Á, cho thấy nền kinh tế đang phát triển vượt mong đợi của tổ chức này.
Kết quả này có được nhờ ngành công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 9,57%, đóng góp gần một nửa vào kết quả tăng trưởng. Sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp khởi sắc nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cường sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu. Thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng… Về phía cầu, lạm phát xuống mức kỷ lục 10 năm là động cơ thúc đẩy tiêu dùng tư nhân tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 7,3% năm ngoái.
“Xem xét ở khía cạnh tích cực thì giá dầu giảm là cơ hội để hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong nước giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng xã hội”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Hấp thụ vốn trong nền kinh tế cũng tăng lên. Tính đến thời điểm 21/9/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 10,78% so với thời điểm cuối năm 2014 – cao nhất kể từ năm 2011 và được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu trong năm nay. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng cũng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,9% GDP.
Bức tranh doanh nghiệp nhờ đó cũng sáng sủa khi Tổng cục Thống kê báo cáo 9 tháng đầu năm có hơn 68.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất giảm nhẹ, thay vào đó có thêm 12.848 đơn vị quay trở lại hoạt động từ đầu năm. “Sản xuất công nghiệp năm 2015 đang có xu hướng phục hồi và phát triển tốt hơn nhiều so với những năm suy giảm kinh tế 2008-2014. Xu hướng các quý cuối năm khả quan hơn nhiều so với các quý đầu năm”, cơ quan thống kê cho biết.
Trước các kết quả đạt được, các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam năm nay đã có nhiều khởi sắc, song vẫn cần thận trọng, bởi thị trường toàn cầu còn bất ổn và tái cơ cấu trong nước đang chậm chạp. Trao đổi với VnExpress, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân nhấn mạnh dù GDP 9 tháng tăng tới 6,5% nhưng chưa thể nói kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt mà mới chỉ “khá và rõ nét” hơn các năm trước, thể hiện qua sản xuất công nghiệp, tín dụng tăng.
Điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn còn, đặc biệt là xuất khẩu nông sản chưa được giải quyết dứt điểm. Xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm, trong đó nhóm hàng nông, lâm sản 9 tháng đạt 12,8 tỷ USD giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, với cà phê và gạo giảm nhiều cả về lượng và giá trị; hàng thủy sản đạt 4,7 tỷ USD, giảm 17%.
Liên quan đến lạm phát, vị chuyên gia nguyên là Giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế xã hội quốc gia cũng bày tỏ sự phân vân. “Cần chú ý đến kinh tế ngầm. Hiện Việt Nam nhập nhiều hoa quả từ Trung Quốc, thịt gà của Mỹ, làm cho cầu tăng không kiểm soát được. Điều này cần phân tích kỹ, giá thấp không thật ở đó”, ông Ân cho biết. Hay với ADB, dù dự báo áp lực lạm phát thấp trong năm nay, nhưng cơ quan này cho rằng năm sau lạm phát sẽ gia tăng khi những biến động tỷ giá được thể hiện rõ.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy có nhiều khởi sắc, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn bị đánh giá chưa tham gia được nhiều vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Xuất khẩu tiếp tục thể hiện sự phụ thuộc ngày càng lớn vào hoạt động gia công, lắp ráp. Nếu không tính 5 nhóm hàng chủ yếu (dệt may, da giày, túi xách, balo, điện tử, điện thoại và linh kiện) thì xuất khẩu 9 tháng giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, kinh tế 9 tháng đầu năm mặc dù đối mặt với nhiều biến động phức tạp của thị trường hàng hóa cũng như thị trường tài chính toàn cầu nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, khả năng cao sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu đầu năm đề ra. Tuy nhiên, những bất ổn của thị trường, đặc biệt là biến số từ Trung Quốc và giá dầu vẫn cần lưu ý trong những tháng cuối năm.
“Thị trường tài chính được dự báo tiếp tục có những biến động phức tạp, giá dầu thô chưa ổn định. Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, biến động tỷ giá của nước này sẽ còn gây bất ổn cho thị trường tài chính quốc tế và tác động tiêu cực đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam”, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Cùng với đó, thị trường xuất khẩu nông sản có xu hướng bị thu hẹp do có sự cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm chủ yếu như gạo, cà phê… của một số nước như Thái Lan, Ấn Độ…
Để tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm sản xuất kinh doanh trong nước phát triển, lãnh đạo Tổng cục Thống kê khuyến nghị các doanh nghiệp cần tranh thủ mọi cơ hội để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, xem xét đầy đủ, toàn diện diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước để chủ động ứng phó trước biến động của tỷ giá; tăng cường đầu tư để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt nhất khi Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về mở cửa thị trường.
Cơ quan điều hành cũng cần chú ý điều chỉnh tỷ giá để bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, nhất là trong giai đoạn các nền kinh tế lớn đang có nhiều biến động mạnh, phức tạp. Lãi suất cũng phải điều chỉnh hợp lý để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phương Linh