Khó xử lý cho vay nặng lãi bằng trần lãi suất

Tại dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), Bộ Tư Pháp đề xuất quy định lại mức áp trần lãi suất cho vay với quan điểm đưa ra căn cứ để xác định mức độ hành vi vi phạm cho vay nặng lãi của các cá nhân và tổ chức.

Dự thảo đặt ra hai hướng: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì mức này không được vượt quá 20% mỗi năm của khoản tiền vay. Hướng thứ hai là lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Ngay trước ngày thông qua dự thảo (24/11), cả 2 phương án này vẫn gây nhiều tranh cãi khi việc áp trần 150% lãi suất cơ bản theo luật hiện hành thời gian qua không có nhiều ý nghĩa. Cụ thể, nếu chiếu theo lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước “đóng đinh” ở mức 9% từ năm 2009 đến nay, các công ty tài chính cũng như ngân hàng đều cho vay vượt giới hạn quy định.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Công ty nghiên cứu thị trường StoxPlus, lãi suất cho vay trả góp của các công ty tài chính ở Việt Nam hiện dao động trong khoảng 20-29%, cao nhất có thể đạt tới 49% cho một số sản phẩm.

kho-xu-ly-cho-vay-nang-lai-bang-tran-lai-suat

Chuyên gia cho rằng nên để thị trường tự điều tiết lãi suất. Ảnh: PV.

Ngay cả trong hệ thống ngân hàng, năm 2011-2012, lãi suất cho vay cũng vượt khá xa so với trần 150% lãi suất cơ bản. Thời điểm này, nhiều khoản vay được các ngân hàng áp mức lãi suất lên tới 22-25% một năm. Điều này được lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lý giải rằng, lãi suất huy động lúc đó lên tới 19-20% một năm, đầu vào cao như vậy thì rõ ràng các tổ chức tín dụng buộc phải cho vay cao.

Vị này cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô luôn có yếu tố khó lường, và không loại trừ việc lãi suất có thể tăng cao trở lại vào một thời điểm nào đó. “Vậy thì tại sao lại đưa ra quy định khống chế trần lãi suất không quá 20% một năm, hoặc là không vượt quá 200%? Cái đó nếu khống chế là khống chế trong giao dịch giữa cá nhân với cá nhân, nhằm chống tín dụng đen, chứ không thể nào quy định để nhằm vào các tổ chức tín dụng”, ông nói.

Mặt khác, vị này cho rằng, hiện nay các ngân hàng cũng như công ty tài chính đã có Luật Các tổ chức tín dụng chi phối thì không nên áp dụng thêm quy định của Luật Dân sự sẽ khiến chồng chéo. Bởi theo điều 476 của Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất theo thỏa thuận quy định không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Ở điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng thì lãi suất theo thỏa thuận. “Đối với các tranh chấp trong tổ chức tín dụng, hiện tòa án giải quyết theo lãi suất thỏa thuận, còn ngoài tổ chức tín dụng thì mới giải quyết theo Điều 476”, ông viện dẫn.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích, Việt Nam vốn là một xã hội nông nghiệp và việc cho vay nặng lãi đã tồn tại rất lâu đời, trong đó ẩn chứa nhiều thứ, làm cho người lao động túng quẫn, thậm chí có yếu tố xã hội đen. Do vậy, để bảo vệ người lao động thì Nhà nước đưa ra quy định để chống cho vay nặng lãi. Theo đó, Luật hiện hành quy định nếu cho vay quá 150% lãi suất cơ bản là đã vi phạm và việc cho vay này không được luật pháp thừa nhận. Khi có kiện tụng ra tòa, nếu người cho vay quá mức 150% lãi suất cơ bản thì hợp đồng vay này là vô hiệu.

Trên thực tế thì nhiều cá nhân cho vay cao hơn mức lãi suất này rất lớn. Khi xảy ra sự tranh chấp, chủ nợ sẽ dùng những biện pháp khác như cho xã hội đen đến đòi nợ chứ họ không đưa ra tòa. Vì vậy, rất khó để xử họ tội cho vay nặng lãi.

Trong khi đó, Nhà nước cũng khó xử lý các tổ chức tín dụng và công ty tài chính. Bởi, Luật Dân sự do Quốc hội ban hành có tính pháp lý cao nhất, nhưng trước nay các ngân hàng cũng như những công ty tài chính đều không áp dụng, vì đa phần họ chịu sự điều tiết của Luật Các tổ chức tín dụng.

Ông Hiển cũng cho rằng, thực ra lãi suất cho vay giống như một hàng hóa, tức là “thuận mua vừa bán”, miễn sao hai bên đều tự nguyện và không có hành vi lừa dối nhau và đây mới là bản chất vấn đề. Còn trần lãi suất chống cho vay nặng lãi không phù hợp với kinh tế thị trường trao đổi hàng hóa.

“Những quy định này chỉ nên dùng để điều tiết các tổ chức Nhà nước, còn đối với những đối tượng khác là không phù hợp vì đây là tư nhân thì phải tuân theo kinh tế thị trường, tức là thuận mua vừa bán”, ông nói.

Ông Hiển phân tích thêm, đã là thị trường thì sẽ có tính cạnh tranh nhau và khi đó tự điều tiết. Cơ quan quản lý chỉ cần chú trọng giám sát xem có sự cấu kết hay lợi ích nhóm chi phối để đẩy lãi suất lên cao hay không, nhằm tạo ra sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong cho vay.

“Còn nếu cứ áp trần một cách cứng nhắc thì rất có thể sẽ xảy ra những biến động khó lường. Lúc đó sẽ không phù hợp và gây cản trở, hoặc là bị vô hiệu”, ông nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, một khi thả nổi lãi suất, cho hoạt động theo cơ chế thị trường thì các ngân hàng không thể đưa ra một mức lãi suất quá cao, vì như vậy doanh nghiệp sẽ bỏ họ và ngân hàng đã tự cắt đi nguồn sống của mình.

“Cho vay tiêu dùng là hoạt động vay mượn khá đặc thù, dựa trên tín chấp là chủ yếu và các thủ tục giấy tờ khá đơn giản. Vì vậy, độ rủi ro của các khoản vay sẽ cao hơn so với các hình thức tín dụng khác của ngân hàng. Để bù đắp rủi ro, lãi suất cho vay tiêu dùng tất yếu sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung”, ông Hiếu đánh giá.

Từ thực tế trên, các chuyên gia tài chính cho rằng, sẽ rất khó mở rộng loại hình cho vay tiêu dùng nếu như ấn định trần lãi suất chung cho tất cả những thể loại giao dịch cho vay. Trần lãi suất dự kiến 20% một năm, hay 200% lãi suất cơ bản là hoàn toàn xa rời thực tế, sẽ dẫn đến phần lớn giao dịch phạm luật và hạn chế kênh cho vay chính thức, khuyến khích hoạt động cho vay tự phát, gồm cả tín dụng đen.

Hoài Thu

0913.756.339