Hướng đi mới của MobiFone

Mở ra nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức cho các doanh nghiệp dám đón đầu xu hướng công nghệ, SMAC đòi hỏi một luật chơi mới cho thị trường – cạnh tranh nhưng vẫn phải phối hợp.

SMAC là sự hội tụ của 4 thành tố Social (mạng xã hội), Mobile (di động), Analytics (phân tích) và Cloud (điện toán đám mây). Đó chính là những yếu tố công nghệ hiện đại mang đến giải pháp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp. Với số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm 1/4 dân số thế giới, doanh thu từ các dịch vụ dữ liệu đạt hàng trăm tỷ USD, SMAC mở ra lối đi mới cho họ để tồn tại trong thời buổi cạnh tranh gay gắt.

Theo ông Nguyễn Bảo Long – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, thị trường đang ngày càng biến động theo chiều hướng chọn lọc khắc nghiệt, những nhu cầu mới nảy sinh, thách thức các dịch vụ cũ. Trong ngành viễn thông, các dịch vụ gọi thoại hay SMS đang phát triển theo chiều ngang, nghĩa là tăng trưởng không đáng kể. Nguyên nhân của điều này là thị trường đã bão hòa, trung bình mỗi người Việt đang sở hữu hơn một thuê bao di động.

mobifone-phat-trien-phan-mem-cho-ca-nhan-doanh-nghiep

Ông Nguyễn Bảo Long – Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

“Các doanh nghiệp viễn thông không thể phát triển được nếu chỉ trông đợi vào dịch vụ cũ. Trong khi đó, số hóa là xu hướng chung, SMAC được đón nhận như giải pháp mới để phát triển kinh doanh hiệu quả. Lẽ tất yếu là chúng ta phải đi theo hướng công nghệ số, dựa vào các dịch vụ dữ liệu và di động”, ông Long chia sẻ.

Ông Long cho biết việc ứng dụng SMAC để quản trị hoạt động tại MobiFone đã cho những kết quả bước đầu. Theo đó, mạng Intranet đã được triển khai ở MobiFone từ một năm nay giúp thông tin nội bộ luôn được truyền đi thông suốt. Ngoài ra, ở một số đơn vị thành viên, các quy trình thủ tục được thực hiện qua mạng, giảm lượng lớn giấy tờ rắc rối và tiết kiệm nhân lực.

“Một ví dụ điển hình là chữ ký số. Có chữ ký điện tử, các giám đốc không cần có mặt ở công ty vẫn phê duyệt được giấy tờ. Như thế, họ có nhiều thời gian để nghiên cứu và phát triển các dịch vụ kinh doanh mới tạo ra nhiều lợi nhuận hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Trong sản xuất kinh doanh, MobiFone đã áp dụng Big Data vào phân tích hành vi khách hàng để có cơ sở xây dựng các chương trình khuyến mãi, marketing, bán hàng đánh trúng tâm lý người dùng. Doanh thu từ các chương trình được số hóa này là 3.000 tỷ đồng. Nhờ đó, MobiFone đã kịp thời giữ chân được 500.000 khách hàng sắp rời mạng.

Sau những hiệu quả này, công ty đã lên kế hoạch phát triển theo hướng doanh nghiệp số. Theo đó, đại gia viễn thông này đã đầu tư nhất định vào cơ sở hạ tầng và nền tảng để phát triển Big Data và Cloud. Các nền tảng di động cũng được xây dựng và sẽ được đưa vào khai thác trong những năm tới.

Dự kiến, đầu năm 2016, MobiFone sẽ đẩy mạnh việc phát triển phần mềm cho cá nhân và doanh nghiệp. Cùng với đó, Big Data sẽ được khai thác thường xuyên hơn để phân tích chất lượng dịch vụ thông qua phản hồi của khách hàng để có biện pháp chăm sóc tốt hơn.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, ông Long cũng cho rằng SMAC tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức vì chưa xây dựng được công nghệ đám mây (Cloud) đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, nhân lực cũng là rào cản. Hiện nay, rất khó để tìm được chuyên gia phân tích dữ liệu chuyên nghiệp. MobiFone đã từng mất tới 5 tháng để tìm được vài kỹ sư, sau 6 tháng đào tạo, chỉ còn 2 người đủ tiêu chuẩn để làm việc với SMAC.

“Các doanh nghiệp luôn xác định phải cạnh tranh để tồn tại trong thị trường hiện đại. Tuy nhiên, công nghệ đã làm thay đổi cuộc chơi. Trong thời số hóa, doanh nghiệp cần phối hợp trên một số phương diện chứ không thể chỉ cạnh tranh đơn thuần”, ông Long nói.

Điều này thể hiện qua việc MobiFone nghiên cứu và phát triển các phần mềm chạy trên mạng cho phép truy cập từ xa và quản trị mọi dữ liệu thuộc nhiều lĩnh vực. Khi sản phẩm này ra đời, các doanh nghiệp khác có thể mua lại và sử dụng mà không cần xây dựng nền tảng công nghệ thông tin hay duy trì bộ phận IT. Mọi gánh nặng kỹ thuật để vận hành như đảm bảo hệ thống chạy tốt, cập nhật thường xuyên, duy trì bảo mật đều sẽ do nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm.

Như thế, doanh nghiệp không tốn nhiều tiền mà vẫn có sự đầu tư đúng và đủ, đảm bảo an toàn cho hoạt động trên mạng của mình. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng có thể bắt tay theo cách thường xuyên trao đổi thông tin và kinh nghiệm ứng dụng SMAC để hỗ trợ nhau khai thác xu hướng này hiệu quả hơn.

Đầu tháng 11 vừa qua, MobiFone cũng đã ra mắt Cộng đồng Doanh nhân. Đây là diễn đàn để doanh nhân Việt Nam gặp gỡ, trao đổi về việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như SMAC nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và tăng cường kết quả kinh doanh. Qua cộng đồng này, MobiFone hy vọng có thể kết nối các doanh nghiệp trong một cộng đồng liên minh ưu việt. Qua đó, họ tìm được lối đi an toàn từ thành công hay thất bại của nhau. Đồng thời, họ có thể chia sẻ ý tưởng hay cơ hội kinh doanh mới để chuyển giao hoặc cùng khai thác lợi ích.

 Minh Trí

0913.756.339