Đây có thể là thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc với một công ty Mỹ. Theo giới truyền thông, 3 công ty này là đại gia khách sạn Shanghai Jin Jiang International Hotels, HNA Group – công ty điều hành hãng hàng không Hainan Airlines và quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc – China Investment Corp.
Họ đã nộp đơn xin phép Chính phủ Trung Quốc để chính thức được chào giá, Wall Street Journal cho biết. Trung Quốc sau đó sẽ ủy quyền cho chỉ một công ty tham gia thương vụ, nhằm tránh cuộc chiến ra giá giữa các hãng trong nước.
Sheraton có thể về tay một công ty Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh: Bloomberg |
Cổ phiếu Starwood hôm qua đã tăng 9% sau thông tin này, đẩy vốn hóa lên 12,6 tỷ USD. Nếu thương vụ được hoàn tất với mức giá gần như vậy, đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất của Trung Quốc với một công ty Mỹ. Con số này cao hơn nhiều so với 7 tỷ USD mà Shuanghui đã chi cho hãng sản xuất thịt lợn – Smithfield Foods năm 2013, theo Dealogic.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào Mỹ với tốc độ kỷ lục. Chỉ riêng năm nay, số thương vụ hoàn tất đã có tổng giá trị 15 tỷ USD. Rất nhiều công ty Trung Quốc đang muốn thâm nhập vào mảng du lịch và giải trí toàn cầu, CNN nhận xét.
Năm 2014, khách sạn biểu tượng của New York – Waldorf Astoria đã được bán cho một công ty bảo hiểm Trung Quốc với giá 1,95 tỷ USD. Tài phiệt bất động sản Trung Quốc – Wang Jianlin cũng đã mua lại chuỗi rạp phim Mỹ – AMC Cinemas năm 2012.
Tương lai của Starwood đang bị treo lơ lửng từ sau khi CEO Frits van Paasschen từ chức hồi tháng 2 trong bối cảnh nhà đầu tư nghi ngờ khả năng tăng trưởng của công ty. Starwood cũng còn sở hữu 2 thương hiệu khách sạn khác, là St. Regis và Westin.
Hồi tháng 4, hãng cho biết đã lên kế hoạch “tìm hiểu các phương án chiến lược và tài chính khác”, đồng thời vẫn giữ Lazard làm hãng tư vấn tài chính.
Hà Thu