Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – Nguyễn Thanh Hưng. |
Ngày 5/12 tới, lần đầu tiên Việt Nam có ngày Mua sắm trực tuyến do Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức. Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – ông Nguyễn Thanh Hưng vừa có cuộc trao đổi với VnExpress về sự kiện này.
– Còn chưa đầy 2 tuần nữa, sự kiện được coi là “Black Friday” của Việt Nam sẽ diễn ra. Việc chuẩn bị đến nay như thế nào rồi, thưa ông?
– Theo số liệu chúng tôi nắm được, hiện có trên 200 doanh nghiệp đăng ký và con số này đang tiếp tục tăng. Ban tổ chức dự đoán sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Các đơn vị này muốn bán hàng trong chương trình có thể đăng ký trực tiếp với Ban tổ chức, hoặc với các sàn thương mại điện tử được ủy quyền. Sau khi nhận được đăng ký, Ban tổ chức sẽ thẩm định nhằm bảo đảm khách hàng giao dịch được với các đơn vị tin cậy, giảm rủi ro khi mua hàng trực tuyến.
Đây là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức sự kiện này nên tương đối khó dự đoán sẽ có bao nhiêu khách hàng tham gia. Tuy nhiên Ban tổ chức hy vọng số người quan tâm tới chương trình sẽ lên tới hàng triệu.
Ngày mua sắm trực tuyến đầu tiên được tổ chức với vào thứ sáu đầu tiên của tháng 12 tới. |
– Người tiêu dùng sẽ nhận được ưu đãi, quyền lợi gì khi mua sắm trên website của chương trình trong ngày này?
– Mỗi doanh nghiệp tham gia Ngày mua sắm trực tuyến có thể đưa ra các hình thức ưu đãi riêng, như miễn phí giao hàng, giảm giá hay tặng quà… Trong ngày đó, người bán hàng có thể tư vấn, cung cấp thông tin sản phẩm và chăm sóc khách hàng nhiệt tình hơn. Khi khách hàng vào website chính thức của Ngày mua sắm, họ sẽ có thông tin toàn diện về tất cả doanh nghiệp, sản phẩm tham gia chương trình và có thể mua sắm trực tiếp trên website của doanh nghiệp.
– Theo ông, sự kiện này sẽ góp phần mang lại sự thay đổi gì cho thị trường mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử ở Việt Nam?
– Theo khảo sát của Google mới công bố thì có tới 44% người sử dụng Internet ở Việt Nam chưa mua sắm trực tuyến muốn mua lần đầu trong 12 tháng tới. Do đó, việc tuyên truyền phổ biến về lợi ích của mua sắm online có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là việc khuyến khích những người chưa từng mua sắm trên mạng thử mua lần đầu tiên.
Mục tiêu cụ thể của Ngày mua sắm trực tuyến năm nay là khích lệ khách hàng tin tưởng việc mua sắm trực tuyến khá an toàn và tiện lợi thông qua trải nghiệm cụ thể. Ngoài ra, tâm lý chung của mọi người tiêu dùng là thích nhận được các ưu đãi nên chương trình có thể thu hút được đông đảo khách hàng.
– Hiện nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển ở mức nào và tiềm năng trong tương lai sẽ ra sao?
– Theo thống kê của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2013, ước tính tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 36%. Tỷ lệ người truy cập Internet tham gia mua sắm trực tuyến là 57%. Mỗi người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng tiêu 120 USD. Ước tính năm 2012, các doanh nghiệp thương mại điện tử hoạt động theo mô hình B2C (bán hàng cho khách) thu được 2,2 tỷ USD. Còn theo dự báo, trong năm sau, mỗi người mua hàng trên mạng sẽ chi khoảng 150 USD. Doanh thu các nhà thương mại điện tử B2C theo đó sẽ lên mức 3,7-4,3 tỷ USD.
Đây là những con số rất khả quan. Tuy nhiên, để dự báo này trở thành hiện thực, bên cạnh những nỗ lực để tạo ra sự thuận tiện và tin cậy trong mua sắm trực tuyến, cần tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thay đổi tâm lý muốn tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm trước khi mua, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.
– Theo khảo sát của Google vừa công bố, 71% người mua hàng online hiện nay được thanh toán bằng tiền mặt, 55% người được phỏng vấn cho biết họ ưa dùng tiền mặt trong mua sắm trực tuyến. Theo ông, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh này?
– Khi các dịch vụ thanh toán hiện đại như Internet banking và Mobile banking đang phát triển khá nhanh ở Việt Nam, người ta có thể dự đoán xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở nên tất yếu. Nhưng theo thông tin từ Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện, tỷ lệ mua sắm trực tuyến vẫn dùng tiền mặt còn rất cao trong vài năm tới.
Đây là thông điệp quan trọng đối với các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát. Rõ ràng là hai loại hình doanh nghiệp này phải liên kết chặt chẽ với nhau để cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao hàng và thu tiền khi giao hàng (COD) với chất lượng cao hơn hẳn so với hiện nay. Đây cũng là một trong những lý do Ngày mua sắm trực tuyến cần được tổ chức thường niên.
Thanh Bình