Sáng nay, thị trường phát tín hiệu tăng khi liên tục đi lên, chạm 1.144 USD lúc 7h45 (giờ Hà Nội), tương đương 31,09 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế, phí, gia công). Thị trường trong nước hôm qua đóng cửa quanh 34,6-35,15 triệu đồng.
Chiều qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo hạ lãi suất cơ bản thêm 0,25% – lần thứ 5 liên tiếp từ đầu năm. Thông tin này đã giúp chứng khoán châu Âu tăng mạnh và thị trường Mỹ hồi phục lúc đầu phiên.
Giá vàng càng chịu áp lực khi số liệu cho thấy niềm tin tiêu dùng Mỹ chạm đỉnh 7 tháng trong tháng 8. Đây là tín hiệu nền kinh tế Mỹ hiện vẫn khỏe mạnh, có thể giúp Cục Dự trữ liên bang (FED) tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất năm nay.
Giá vàng đã giảm 2 phiên liên tiếp trong tuần này. Ảnh: Anh Quân |
Hôm qua, có lúc giá mất 19 USD, xuống 1.135 USD một ounce. Tuy vậy, về cuối phiên, thị trường đã hồi phục phần nào, khi phố Wall quay đầu đi xuống. Giá vàng giao tháng 12 chốt phiên giảm 1,3%, xuống 1.138 USD.
“Niềm tin tiêu dùng tăng mạnh, kèm sự phục hồi của thị trường chứng khoán ban đầu đã đẩy vàng xuống sát ngưỡng hỗ trợ 1.130 USD”, Tai Wong – Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại BMO Capital Markets nhận xét.
Phiên thứ Hai, giá vàng cũng giảm do nhà đầu tư muốn kiếm lời sau khi vàng lên đỉnh 7 tuần cuối tuần trước, và giá các hàng hóa khác đều đi xuống. Hôm qua, phố Wall mở cửa với mức tăng mạnh nhất từ đầu năm, nhưng về cuối phiên lại giảm do lo ngại kinh tế Trung Quốc. Đôla Mỹ tăng hơn 1% so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới.
“Tình hình hiện tại là lãi suất Mỹ có thể tăng bất kỳ lúc nào. Việc này đã hạn chế đà mua vàng, kể cả trong bối cảnh thị trường biến động mạnh như đầu tuần”, Nicholas Snowden – nhà phân tích tại Standard Chartered nhận xét.
Trên thị trường dầu thô, giá hôm qua đã phục hồi sau tin Trung Quốc tăng lãi suất. Dầu Brent tăng hơn 3% lên 43,21 USD một thùng. Trong khi đó, dầu WTI lên 39,31 USD. Dù vậy, thị trường vẫn ở đáy 6 năm với mức giảm hơn 16% từ đầu tháng, do mối lo dư cung và tăng trưởng chậm chạp tại Trung Quốc.
Hà Thu