Trên tờ Der Standard của Áo, ông cho biết đã sẵn sàng đầu tư vào nền kinh tế đang bị chiến tranh tàn phá này, trong một số hoàn cảnh nhất định. “Có nhiều ý tưởng đầu tư khá vững chắc, như vào nông nghiệp hay cơ sở hạ tầng chẳng hạn. Tôi sẽ đổ vào đây một tỷ USD và việc này phải tạo ra lợi nhuận. Quỹ của tôi sẽ hưởng lợi từ việc này, chứ đâu phải cá nhân tôi”, ông nói
Tỷ phú gốc Hungary cho rằng Mỹ và châu Âu cần thể hiện vai trò lãnh đạo chính trị mạnh mẽ tại Ukraine. Việc này sẽ khiến Ukraine hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư tư nhân. Ví dụ, phương Tây có thể cung cấp tài chính với lãi suất gần 0% như châu Âu.
George Soros sẽ đầu từ vào Ukraine nếu có sự trợ giúp từ phương Tây. Ảnh: Reuters |
Người phát ngôn của Soros cho biết các khoản đầu tư của ông sẽ phụ thuộc vào phương Tây có làm “bất kỳ điều gì” để cứu Ukraine hay không. Soros đã lập Quỹ Open Society năm 1979 để thúc đẩy dân chủ và xã hội mở. Hầu hết công việc tập trung vào các nước Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, họ cũng tài trợ cho nhiều chương trình ở Mỹ và châu Phi.
“Ukraine đang bảo vệ biên giới châu Âu. Nhưng trên hết, họ đang đấu tranh cho các giá trị châu Âu, như luật pháp và tự do. Việc này thường xuyên bị lãng quên”, ông cho biết.
Việc Nga sáp nhập Crimea năm ngoái và xung đột với lực lượng ly khai tại miền Đông đang khiến kinh tế Ukraine trượt dốc không phanh. Tiền tệ nước này – đồng hryvnia đã mất gần 60% giá trị so với USD chỉ trong một năm. GDP co lại 7% năm ngoái và được dự đoán giảm tiếp 5% năm nay.
Dù nước này đã nhận được gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cơ hội phục hồi kinh tế dường như vẫn còn khá nhỏ. Ukraine đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Tham nhũng khiến Chính phủ mất 10 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Các yêu cầu thắt lưng buộc bụng của IMF, như tăng giá khí đốt và giảm lương hưu, không được nhiều người đồng tình. Các nhà băng thì cận kề nguy cơ sụp đổ do nợ xấu, còn lãi suất đang ở đỉnh 15 năm.
Hà Thu(theo CNN)