FED thất bại với chính sách lãi suất thấp kỷ lục

Trong bối cảnh toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm chạp, Mỹ vẫn là nền kinh tế có tốc độ phục hồi nhanh nhất khu vực Thái Bình Dương sau khủng hoảng 2008, nhờ các biện pháp kích thích chưa từng có của FED. Dẫu vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa thực sự hài lòng với kết quả đạt được. Họ cho rằng chính sách lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ đã không thể tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế Mỹ phục hồi bền vững như kỳ vọng.

Donald Kohn là cựu Phó chủ tịch Hội đồng Thống đốc FED trong giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và cũng là một trong nhiều những quan chức tham gia xây dựng kế hoạch đối phó với khủng hoảng. Ông nhận định sự phục hồi của kinh tế Mỹ với tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2,2% trong 6 năm qua thực sự đáng thất vọng.

“Tôi cũng dự đoán kinh tế Mỹ sẽ phục hồi chậm chạp, nhưng lượng tín dụng sẽ phải dồi dào hơn theo thời gian, và chính sách lãi suất suất gần 0% sẽ giúp kích thích chi tiêu hơn nữa. Vì vậy, tình hình đúng là đáng thất vọng”, ông Kohn nói.

us-1-6160-1442488982.jpg

Chính sách kích thích của FED bị đánh giá không hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: A.P

Ngoài GDP, tăng trưởng lương hàng năm cũng chỉ đạt 2,2% – thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của FED. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tại Mỹ hiện cũng ở mức thấp nhất từ những năm 1970. Nguyên nhân là thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số bước vào tuổi nghỉ hưu và nhiều công nhân tiềm năng từ bỏ tìm việc làm.

Trong khi đó, lạm phát vẫn chưa thể lên mức mục tiêu 2% mà FED đề ra từ năm 2012, dù các nhà hoạch định chính sách đã hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục và triển khai chương trình nới lỏng.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đạt được một số thành tựu. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 8/2015 đã xuống thấp nhất 7 năm ở 5,1%. Tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2015 đạt 3,7% – cao hơn nhiều mức tăng trưởng trong thời gian dài trước đó.

Những thất bại của kinh tế cũng có thể quy cho một loạt yếu tố khác, như niềm tin đầu tư suy yếu vì khủng hoảng nợ châu Âu, chính sách tài khóa tại Mỹ bị thắt chặt và tăng trưởng năng suất yếu ớt.

Giáo sư Kenneth Rogoff tại Harvard từng nghiên cứu hậu quả của các cuộc khủng hoảng tài chính. Ông cho biết, nếu theo chu kỳ bình thường, FED đã phải nâng lãi suất ít nhất 6 tháng trước, do thị trường lao động đang phục hồi ổn định. “Tuy nhiên, đây không phải là một chu kỳ bình thường. GDP đang cải thiện, nhưng lạm phát nhích lên quá ít có vẻ chưa phải vấn đề to tát nếu so với rủi ro đẩy cả nền kinh tế vào suy thoái”, Rogoff nhận định.

Bức tranh kinh tế Mỹ trở nên phức tạp hơn khi những “điểm nóng” mới bắt đầu xuất hiện. Một ví dụ điển hình là thị trường bất động sản thương mại. Từ lâu, giá trị của lĩnh vực này đã vượt đỉnh thời tiền khủng khoảng – thời điểm mà bất động sản vốn đã là một rắc rối lớn với sự ổn định của hệ thống tài chính.

“Lãi suất thấp đã thúc đẩy nhu cầu về bất động sản thương mại, đặc biệt trong bối cảnh mọi người chỉ muốn kiếm lợi nhuận cao”, Phó Chủ tịch Don Capobres hãng bất động sản Grosvenor Americas nhận xét.

Ông Capobres cho rằng, việc FED nâng lãi suất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, giá bất động sản tại các thành phố cửa ngõ như Washington và San Francisco, được dự báo vẫn ở mức cao trong tương lai gần.

Một điểm nóng khác của kinh tế Mỹ là thị trường nợ doanh nghiệp. Trong 8 tháng đầu năm 2015, khi thời điểm chi phí vay vốn còn thấp, các doanh nghiệp Mỹ đã phát hành tổng 568 tỷ USD trái phiếu được xếp hạng “có thể đầu tư”. Con số này đã phá kỷ lục trong cùng kỳ các năm từ 2011.

Các doanh nghiệp tăng cường phát hành nợ một phần nhằm chi trả cho những thương vụ mua lại và sáp nhập lớn trên thị trường. Từ đầu năm 2015, các doanh nghiệp Mỹ đã bán ra hơn 211 tỷ trái phiếu rủi ro cao (trái phiếu rác), trong khi con số này chỉ đạt hơn 200 tỷ USD trong 8 tháng đầu của các năm tính từ 2011. Thậm chí thời điểm cao trào của bong bóng tín dụng năm 2007 cũng chỉ có 115 tỷ trái phiếu rủi ro được bán ra.

Jeremy Stein – một cựu thống đốc của FED hiện làm việc tại Đại học Harvard, cho rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã đúng khi áp dụng chính sách lãi suất thấp kỷ lục vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp lên hơn 8%.

“Tuy nhiên, chính sách đó không phải là không có rủi ro. Khi đẩy giá tài sản lên cao và thắt dòng tín dụng lại, chắc chắn sự ổn định của hệ thống tài chính sẽ gặp rủi ro lớn. Đến một thời điểm nào đó, nó sẽ gây ra một cuộc suy thoái nhỏ”, ông Stein nói.

Những biến động gần đây trên các thị trường tài chính, cùng lo ngại xung quanh kinh tế Trung Quốc có thể khiến FED tạm dừng kế hoạch nâng lãi suất trong tháng 9/2015. Charles Plosser – cựu Chủ tịch Fed Philadelphia cho rằng FED cần chắc chắn rằng sẽ không quá phụ thuộc vào các thị trường tài chính. 

“FOMC hay cuộc tranh luận giữa các quan chức FED càng chú trọng vào giá tài sản thì càng chứng tỏ họ chỉ quan tâm tới giá tài sản và sẽ hành động chỉ vì nó mà thôi”, ông Plosser nói.

Phát biểu của ông Plosser lại đưa ra một vấn đề lớn hơn. 8 năm trước, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy kinh tế thế giới tới bờ vực của sự sụp đổ, và buộc chính phủ các nước Thái Bình Dương đổ hàng trăm tỷ USD nhằm cứu vớt hệ thống ngân hàng phá sản. Tuy nhiên, 8 năm sau, các ngân hàng trung ương vẫn chẳng khá hơn khi hoạch định các chính sách tiền tệ, tài chính, nhằm đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định trong dài hạn.

Những lý thuyết và phương pháp tiếp cận cũ rích nhằm vào lạm phát đã hoàn toàn thất bại khi kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2009, do các nước phớt lờ lạm phát giá tài sản. Tuy nhiên, hiện nay khi giá một số tài sản đang ở mức cao, các nhà hoạch định chính sách vẫn ưu tiên trì hoãn tăng lãi suất do giá cả nhiều hàng hóa đang suy yếu.

Chẳng ai cần phải nhắc lại quyền lực của FED đối với thị trường toàn cầu. Bởi những ký ức về thời điểm cựu chủ tịch FED Paul Volcker kích hoạt cuộc suy thoái đầu thập niên 80 để chống lạm phát vẫn còn rất rõ ràng. Và đến nay, một lần nữa, số phận của kinh tế thế giới lại nằm trong sự phán xét của một vài cá nhân mà không có mô hình kinh tế đáng tin cậy nào hướng dẫn họ.

Kim Dung(theo FT)

0913.756.339