Tại Hội thảo “Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh” tổ chức ngày 25/3, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết sau hơn 2 năm vận hành phát điện cạnh tranh, bên mua điện duy nhất vẫn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua một công ty mua bán điện khiến mức giá chào trên thị trường chưa hấp dẫn. “Để bảo đảm tính cạnh tranh, tại thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ mở rộng hơn các đối tượng này”, ông Tuấn cho biết.
Theo đó, trước mắt sẽ có 5 Tổng công ty điện lực trực tiếp mua điện và bán cho các khách hàng. Ngoài ra, các khách hàng lớn đấu trực tiếp vào lưới điện truyền tải cũng sẽ có cơ hội tham gia thị trường điện bán buôn, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khi nâng cấp độ cho thị trường điện sẽ cải thiện nguồn tài chính ngành điện, chất lượng cũng tăng lên, đặc biệt giá bán lẻ sẽ hợp lý trên quy luật cung cầu thực tế.
Tuy nhiên, Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết một số hạn chế ngành điện gặp phải hiện nay như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trình độ quản lý, năng lực cán bộ… Dù vậy, cơ quan này khẳng định thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn được vận hành theo đúng tiến độ.
Theo lộ trình, thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Phát điện cạnh tranh (2005-2014), bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Hiện Việt Nam ở bước cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh và sắp sang giai đoạn bán buôn cạnh tranh.
Sau 2 năm đi vào hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã thể hiện nhiều mặt tích cực như tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện, thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả, giảm chi phí… Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường tăng chậm, làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong vận hành.
Thành Tâm