Doanh nghiệp Việt tăng cường phòng vệ thực phẩm

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tiêu chuẩn “Phòng vệ thực phẩm” đặt ra những biện pháp hạn chế nguồn thực phẩm bị ô nhiễm có chủ ý bởi con người. Do đó, đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp có thể chủ động triển khai những biện pháp xuyên suốt quá trình chế biến sản xuất nhằm hạn chế những tác nhân gây ô nhiễm, ngộ độc, đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kênh phân phối quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thì việc áp dụng biện pháp phòng vệ thực phẩm là yếu tố tiên quyết nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường thế giới.

Đánh giá được tầm quan trọng của công tác phòng vệ thực phẩm, từ năm 2007, Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã triển khai chương trình này tại các quốc gia thành viên nhằm nỗ lực bảo vệ an toàn nguồn thực phẩm. Tuy nhiên, phải đến năm 2011, các doanh nghiệp Việt Nam mới có cơ hội tiếp xúc với khái niệm này và chỉ một số ít công ty lớn quan tâm và có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản trong việc triển khai hệ thống phòng vệ thực phẩm.

Nguyên nhân thực trạng này đến từ sự hạn chế về kiến thức và rào cản trong công tác quản lý, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, một chương trình hỗ trợ xuyên suốt từ phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng tới công cụ thực hiện sẽ là tiền đề để các công ty trong nước triển khai hiệu quả.

Năm 2015, được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp Mỹ thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Tập đoàn TTC và Công ty Vissan đã được đào tạo bài bản về phương pháp xây dựng hệ thống phòng vệ thực phẩm tại Đại học Minnesota (Mỹ). Từ đó, các bên vận dụng và xây dựng hệ thống phù hợp với thực tiễn hoạt động. TTC và Vissan đã bắt đầu quá trình nghiên cứu, áp dụng từ 2010 đến nay nhằm đúc kết thành một quy trình phòng vệ thực phẩm hiệu quả.

polyad

Các doanh nghiệp ngày càng nâng cao ý thức trong việc tự phòng vệ và đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình.

Phòng vệ thực phẩm hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong cùng chuỗi, cùng quốc gia và quốc tế. Xác định được đảm bảo chất lượng thực phẩm cũng chính là bảo vệ chất lượng đời sống người tiêu dùng, các doanh nghiệp đang ngày càng nâng cao ý thức trong việc tự phòng vệ và đảm bảo chất lượng sản của mình.

Trên cơ sở kiến thức và kỹ năng được đào tạo bài bản, TTC và Vissan mong muốn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để cùng xây dựng một tập quán tốt trong sản xuất, phân phối cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm vừa và nhỏ Việt Nam qua chương trình “Nâng cao nhận thức và phương pháp xây dựng hệ thống về phòng vệ thực phẩm”. Hoạt động này sẽ diễn ra suốt năm, được tổ chức trên các tỉnh thành tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Cần Thơ, Tây Ninh, Bến Tre, Gia Lai, TP HCM…

Chương trình hướng đến đối tượng tham dự là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng trực tiếp. Với sự hợp tác của Đại học Công nghiệp TP HCM, Hội Doanh nghiệp, Sở Công Thương và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh thành, hoạt động này được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị với sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thiết thực trong việc nâng cao chất lượng thực phẩm Việt Nam.

Hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định nội lực và nâng tầm thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Bên cạnh những giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, cắt giảm giá thành…, các công ty cần phải ý thức về tầm quan trọng của công tác phòng vệ thực phẩm nhằm mang đến sản phẩm an toàn, vì sức khỏe người tiêu dùng. Đó là nền tảng để phát triển bền vững, tạo chỗ đứng cho thương hiệu và uy tín doanh nghiệp trong cộng đồng người tiêu dùng.

(Nguồn: TTC)

0913.756.339