Đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ công

Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ trưởng Tài chính – Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Thường vụ Quốc hội sáng nay (12/10) khi trình bày tờ trình của Chính phủ về tình hình triển khai nghị quyết công tác phát hành trái phiếu và tái cơ cấu nợ Chính phủ.

Bộ trưởng cho hay, riêng với giai đoạn 2015-2016, nguồn vay để bù đắp bội chi còn hạn chế, chỉ tập trung vào thị trường trong nước. Trong khi đó, khối lượng trái phiếu đến hạn trong giai đoạn này là tương đối lớn (363.166 tỷ đồng) cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu.

de-xuat-phat-hanh-3-ty-usd-trai-phieu-quoc-te-de-tai-co-cau-no-cong

Ngoài tái cơ cấu nợ, Bộ trưởng Tài chính cho biết số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để bù đắp bội chi. Ảnh: Q.D

“Các nguồn tài chính trong nước khác đã được huy động tối đa nên không thể dùng để tái cơ cấu danh mục nợ này. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2015-2016 được phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ trong nước”, ông Dũng nói.

Chính phủ đề xuất khối lượng phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 3 tỷ USD, kỳ hạn từ 10-30 năm, để tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2015-2016. Các năm sau, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam không còn hưởng nguồn vốn ưu đãi IDA của Ngân hàng Thế giới.

Trước đó vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm đảo nợ các khoản vay đến hạn vào năm 2016 và 2020.

Theo số liệu của The Economist, đến ngày 12/10, nợ công của Việt Nam được ước tính ở mức 92,64 tỷ USD, tương đương gần 1.017 USD trên một đầu người.

Trong khi đó, số liệu công bố gần nhất của Bộ Tài chính cho thấy nợ công đang tương đương 59,6% GDP.

Về tác động đến nợ công và các chỉ tiêu nợ khác, cơ quan điều hành đánh giá việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu và sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ về cơ bản không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra là đến năm 2020, tỷ lệ nợ nước ngoài luôn thấp hơn 50% tổng nợ Chính phủ.

“Việc vay này vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ dư nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030”, người đứng đầu Bộ Tài chính trấn an. Điều này cũng được cho là sẽ giúp Chính phủ giảm đỉnh nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn trong giai đoạn tới, góp phần đảm bảo chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp trong giới hạn cho phép (không quá 25% thu ngân sách hằng năm).

Theo Bộ trưởng Tài chính, việc phát hành lần này nhằm thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp, tạo sức ép để hạ chi phí huy động vốn nước ngoài của Chính phủ trong tương lai, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cũng như của các thành phần kinh tế khác. Tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế về việc Việt Nam tham gia thị trường một cách thường xuyên, tác động tích cực đến tính thanh khoản của các trái phiếu hiện hành cũng như tạo ra sự hấp dẫn cho các trái phiếu mới để giảm chi phí huy động vốn trong tương lai.

Bên cạnh đó, Chính phủ kỳ vọng việc vay trái phiếu lần này sẽ góp phần giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, duy trì lãi suất trong nước ở mức thấp để hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp không có điều kiện vay vốn ngoại tệ từ nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu quốc tế có tác động làm tăng cung ngoại tệ sẽ góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chí Hiếu

0913.756.339