Đây là một trong những nội dung đáng chú ý và cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi Dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được trình ra Quốc hội hôm nay. Tại tờ trình, cơ quan soạn thảo đã thiết kế 2 phương án, một là không quy định chức năng điều tra cho cả 3 cơ quan nêu trên, mà giữ nguyên như quy định hiện hành. Trong khi phương án hai, Chính phủ đề xuất mở rộng quyền điều tra với ngành thuế, chứng khoán và kiểm ngư.
Cơ quan Thuế phát hiện nhiều vi phạm phức tạp trong thời gian qua. Ảnh: Thời báo tài chính |
Trong quá trình thẩm tra dự luật, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp cho biết ngay trong nội bộ cơ quan thẩm tra cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Luồng quan điểm nhất trí với việc mở rộng nêu lý do đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù, có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp và tinh vi. Do đó, các đại biểu khẳng định nếu cơ quan thuế, chứng khoán được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định và khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong lĩnh vực này.
Các ý kiến đồng thuận cho rằng thực tế hiện nay, các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra chuyên trách. Trong nhiều trường hợp, hoạt động này không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe tội phạm. Hơn nữa, khi các cơ quan này được giao điều tra ban đầu thì sẽ giảm tải cho các cơ quan chuyên trách.
Tuy nhiên, ý khác lại cho rằng các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra hiện nay thường có địa bàn hoạt động vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong khi hoạt động của cơ quan thuế hay Ủy ban Chứng khoán chủ yếu là tại trụ sở, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ nên khi phát hiện dấu hiệu thì có thể chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Theo ông Nguyễn Hữu Ánh, Vụ trưởng Thanh tra (Tổng cục Thuế), tình hình vi phạm về thuế ngày một gia tăng và có dấu hiệu nghiêm trọng trong thời gian qua. Hàng loạt vụ việc đã được cơ quan này phát hiện và đã chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố vụ án.
“Tuy nhiên, các vi phạm về thuế có tính chất chuyên ngành phức tạp nên thông thường sau khi chuyển vụ việc sang cơ quan công an cũng phải mất 3-6 tháng để điều tra, có vụ kéo dài đến 2 năm”, ông Ánh cho biết.
Đại diện ngành Thuế dẫn chứng, trong hai vụ vi phạm về thuế có quy mô mới nhất, với số lượng hóa đơn mua bán hàng trăm tỷ đồng đều được các cục thuế địa phương phát hiện và đề nghị công an vào cuộc. Cụ thể, với vụ việc cựu nhân viên chi nhánh Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc – Vinacomin bị công an Hà Nội bắt về hành vi mua bán gần 360 hóa đơn, giá trị chưa thuế hơn 100 tỷ đồng, thì Cục Thuế Hà Nội đã chuyển cơ quan công an từ gần một năm trước. Trong khi với vụ mua bán khoảng 1.000 hóa đơn, giá trị gần 800 tỷ đồng tại Hải Phòng, cơ quan tại địa phương đã chuyển hồ sơ cho công an từ tháng 12/2014.
“Nếu ngành thuế được quyền điều tra ban đầu thì sẽ rút ngắn được thời gian khởi tố vụ án, giúp ngăn chặn các hành vi tội phạm về thuế. Vì vậy trong văn bản gửi cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính đề xuất thẩm quyền điều tra này chỉ có với cấp Tổng cục và Cục. Thanh tra thuế cũng chỉ điều tra các vụ việc ít phức tạp hoặc vụ bắt quả tang. Các nước như Thái Lan, Singapore hay Indonesia cũng cho phép cơ quan thuế có quyền điều tra”, ông Ánh nói.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo điều 9 dự thảo luật: 1. Các cơ quan của Bộ đội biên phòng gồm Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống tội phạm ma túy; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; đồn biên phòng. 2. Các cơ quan của Hải quan: Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan cấp tỉnh; Chi cục Hải quan cửa khẩu. 3. Các cơ quan của Kiểm lâm: Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm. 4. Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển: Bộ tư lệnh Cảnh sát biển; Vùng Cảnh sát biển; Phòng phòng, chống tội phạm ma túy; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ. 5. Các cơ quan của Công an nhân dân: Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam; Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an, các phòng nghiệp vụ an ninh ở Công an cấp tỉnh và Đội An ninh ở Công an cấp huyện. 6. Các cơ quan trong Quân đội: Trại giam; đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương |
Hải Hiếu