Hiện nay, tình hình an ninh mạng càng trở nên nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.
Tấn công mạng ngày càng tinh vi
Thời gian qua, trên phạm vi toàn cầu đã xảy ra hàng loạt các cuộc xâm nhập, tấn công mạng có tổ chức nhắm vào cơ sở hạ tầng thông tin của các quốc gia cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường mạng. Thực trạng này ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và khó lường. Nghiên cứu từ CSIS, McAfee cho thấy, tội phạm mạng gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 445 tỷ USD mỗi năm. Tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ tấn công mạng nghiêm trọng trong các năm gần đây và dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2016.
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Huấn luyện An ninh mạng (Viện CSO) cho rằng: “Hình thức tấn công nguy hiểm hiện nay là kiểu tấn công APT (Advanced Persistent Threat). Đây là kiểu tấn công có tổ chức, chủ đích, lâu dài và được đầu tư bài bản, phối kết hợp nhiều kỹ thuật tấn công để nhằm đến mục tiêu xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ, chiếm quyền kiểm soát các hệ thống và chiếm đoạt dữ liệu của các tổ chức trong thời gian dài. Một số trường hợp là tấn công phá hoại bằng cách xoá hay mã hoá các dữ liệu quan trọng hay làm sụp đổ hạ tầng công nghệ thông tin của tổ chức. Đây là kiểu tấn công phổ biến hiện nay trên thế giới và xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam”.
Ở quy mô nhỏ hơn, theo nghiên cứu mới đây của hãng bảo mật Kaspersky, ba phần tư trong số 18.000 người tham gia khảo sát cho thấy họ chưa trang bị những kiến thức đủ để nhận biết các mối nguy hại trên Internet. 45% người sử dụng Internet đã gặp phải một sự cố phần mềm độc hại trong 12 tháng qua, nhưng 13% trong số những người bị ảnh hưởng không biết tại sao mình gặp phải vấn đề này.
Thiếu hụt đội ngũ chuyên gia an ninh mạng lành nghề
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều mối đe dọa mới trên không gian mạng, việc có được một đội ngũ chuyên gia an ninh mạng đủ năng lực và giỏi kỹ năng là nhu cầu lớn của các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi bối cảnh an ninh mạng trong nước và trên thế giới đã thay đổi nhiều trong những năm qua, việc đào tạo an ninh mạng tại Việt Nam lại không hề thay đổi, vẫn theo tầm nhìn, các quy trình, phương thức và công cụ “truyền thống”.
“Toàn bộ nền công nghiệp an ninh mạng đang đứng trước áp lực phải thay đổi lớn do đang thua trong cuộc chiến chống tội phạm, tấn công mạng. Vì vậy, đào tạo an ninh mạng cũng cần phải thay đổi. Tôi tin rằng, với những lợi thế vốn có về kinh nghiệm thực tiễn, Viện CSO sẽ tạo bước đột phá trong đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về an ninh, an toàn thông tin dựa trên năng lực nghiên cứu, tiếp nhận các công nghệ mới trên thế giới và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ chuyên gia trong nhiều năm qua”, ông Trác chia sẻ.
Viện CSO hiện quy tụ đội ngũ 10 chuyên gia sở hữu nhiều chứng chỉ danh giá của Học viện SANS – chuyên đào tạo an ninh mạng của thế giới. Viện cũng đang đầu tư để biến quá trình học của học viên thành một trải nghiệm thực tế, qua đó học viện có thể tích luỹ kinh nghiệm và rút ra các bài học thực tiễn cho bản thân. Dự kiến trong năm 2016, viện sẽ đưa vào khai thác hệ thống đào tạo này.
(Nguồn: Viện CSO)