Cơn sốt xe sang ở Nga

Hãng xe Porche đã lập kỷ lục mới tại Nga năm 2015, với doanh số tăng 12,5% so với năm 2014. Rolls-Royce gần đây cũng cho biết bán được số xe nhiều chưa từng thấy tại Nga năm ngoái. Doanh số của Lexus tăng 6% và Bentley nhận định thị trường Nga “đang tăng trưởng rất nhanh”.

“Giới nhà giàu tại Nga chỉ đơn giản là có nhiều tiền và tự tin hơn khi mua sắm mà thôi”, Tim Urquhart – nhà phân tích ôtô tại IHS cho biết.

Sự thành công của các hãng xe sang trái ngược hoàn toàn với các thị trường khác ở Nga. Sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh, doanh số bán ôtô nói chung tại Nga đã giảm 36% năm ngoái, tương đương giảm 1,6 triệu xe.

con-sot-xe-sang-o-nga

Xe sang đã được tiêu thụ mạnh tại Nga từ năm 2014. Ảnh: AP

Sự bùng nổ này là phụ phẩm của nền kinh tế vốn đang xuống dốc do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đồng rúp yếu khiến hàng hóa tại Nga rẻ hơn đối với những người nắm giữ USD hoặc các ngoại tệ khác.

Hồi tháng 1, rúp Nga xuống thấp chưa từng thấy, tại 82 rúp đổi một USD. Từ đó, đồng tiền này đã hồi phục phần nào, lên 77 rúp một USD. Tuy nhiên, rúp vẫn còn khá yếu so với thời trước khủng hoảng, là 45 rúp một USD.

Nội tệ giảm mạnh cũng thôi thúc người Nga tiêu nhanh trước khi giá tăng nữa. Các công ty quốc tế thường phải điều chỉnh giá sản phẩm theo tỷ giá. Nhưng vì quá trình này có thể kéo dài hàng tháng, người mua thường tận dụng khoảng thời gian này để sắm sửa.

Hồi tháng 12/2014, tình trạng tương tự cũng xảy ra, khi rúp lần đầu trượt dốc. Apple khi đó là một trong những công ty đầu tiên điều chỉnh giá sản phẩm. Khi ấy, một chiếc iPhone 6 đã tăng giá tới 35%, từ gần 40.000 rúp lên gần 54.000 rúp, chỉ trong một tuần.

Tuy nhiên, hiện tại, các hãng xe sang vẫn chưa điều chỉnh giá. Một chiếc Lexus IS tại Mỹ có giá 37.000 USD. Nhưng mẫu mã tương tự tại Nga chỉ có giá hơn 2 triệu rúp (25.000 USD). Một chiếc Porsche 911 Turbo S Cabriolet mới tại Nga có giá 11,8 triệu rúp (151.000 USD). Nhưng ở Mỹ, giá này là 200.000 USD. Maria Malinskaya – chủ một showroom ôtô tại Nga cho biết một số mẫu xe cao cấp hiện rẻ bằng một nửa hoặc một phần ba nếu đổi từ rúp sang đôla Mỹ.

Đây cũng là cách người Nga bảo toàn tài sản trong thời điểm nội tệ mất giá. “Những người có lượng tiền mặt lớn sẽ tìm cách mua đồ. Và xe sang là lựa chọn hợp lý”, Urquhart giải thích.

Vladimir Bespalov – nhà phân tích tại VTB Capital thì cho biết: “Kể cả trong khủng hoảng, vẫn có những người nhiều tiền mà. Có lẽ, chỉ trong khủng hoảng, họ mới thấy đây là thời cơ tốt để mua xe sang”.

Hà Thu(theo CNN/Reuters)

0913.756.339