Khối lượng giao dịch tăng mạnh lên 8,5 triệu đơn vị song phiên giao dịch 20/1 cũng đánh dấu điểm đáy mới của cổ phiếu HAG khi giá chỉ còn 9.000 đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Hoàng Anh Gia Lai niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2008.
Chỉ 12 phiên giao dịch đầu năm khiến tài sản Bầu Đức mất thêm 487 tỷ đồng. Ảnh: Đức Đồng |
Bảng điện tử tại thời điểm kết phiên giao dịch chỉ thưa thớt lệnh mua vào, cho thấy rất ít nhà đầu tư mạo hiểm bắt đáy HAG. Trước đó, mã này cũng đã có một phiên giảm sàn 6,1% ngày 18/1.
Thời điểm | Giá cổ phiếu |
02/01/2014 | 18.500 đồng |
05/01/2015 | 20.200 đồng |
31/12/2015 | 10.400 đồng |
20/01/2016 | 9.000 đồng |
Trên thực tế, HAG đã mất giá hơn 50% trong năm 2015 và đang tiếp tục giảm mạnh trong năm 2016. So với phiên mở cửa 2016, cổ phiếu này đã giảm tiếp 1.400 đồng, tương đương gần 13,5% thị giá. Cho đến nay, Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa đưa ra thông điệp nào về việc cổ phiếu của tập đoàn giảm mạnh.
Cổ phiếu xuống thấp kỷ lục khiến tài sản chứng khoán của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức mất thêm 487 tỷ, xuống còn 3.129 tỷ đồng sau 12 phiên giao dịch. So với khối tài sản đầu năm 2015 là 7.575 tỷ đồng, tài sản của Bầu Đức đã “bốc hơi” khoảng 4.446 tỷ đồng.
Nếu như cổ phiếu HAG không ngừng giảm, rất có thể Bầu Đức sẽ lại mất vị trí giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán vào tay bà Phạm Thúy Hằng – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Tính đến 20/1, tài sản của Bầu Đức chỉ còn cao hơn bà Hằng 223 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2015, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 47.603 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng lên 30.722 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn đã vượt 13.000 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.600 tỷ đồng. Doanh thu tăng 117%, đạt 5.203 tỷ đồng song lợi nhuận của tập đoàn vẫn giảm gần 19% xuống 1.342 tỷ đồng.
Ảnh hưởng chung từ xu hướng giảm của chứng khoán châu Á, trong nước phiên 20/1 cũng đỏ sàn. VN-Index kết phiên mất hơn 6 điểm xuống 529 điểm. Toàn sàn có 143 mã giảm, trong khi chỉ có 69 mã tăng. HNX-Index giảm nhẹ 0,4 điểm, xuống còn 73,9 điểm. Thanh khoản hai sàn ở mức gần 2.300 tỷ đồng.
Bạch Dương