Chủ tịch VIB muốn sáp nhập với ngân hàng có số liệu minh bạch

VIB-DHCD-2290-1427425784.jpg

Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ đọc báo cáo của Hội đồng quản trị tại Đại hội cổ đông.

Thông tin trên được ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, khi được hỏi về kế hoạch mua bán, sáp nhập với ngân hàng khác trong bối cảnh cuộc cải tổ hệ thống đang diễn ra mạnh mẽ.

“Trong nhiều năm qua, Ban điều hành VIB đang hướng đến tiêu chí minh bạch và đầu tư rất nhiều nguồn lực để đảm bảo sự minh bạch ấy. Moody’s cũng đã đánh giá VIB là một trong 2 ngân hàng có sức mạnh tài chính cao nhất. Do đó, khi nào chúng tôi nhìn thấy đối tác có số liệu minh bạch thì đấy mới là cơ sở để kế hoạch sáp nhập của chúng ta không rơi vào rủi ro”, ông Vỹ chia sẻ.

Áp lực niêm yết cũng được các cổ đông đặt ra tại đại hội 2015 bởi kế hoạch này được VIB đề cập từ vài năm trước nhưng chưa thực hiện. Lý giải về việc này, Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ cho biết do trong năm 2014, trong lựa chọn ưu tiên để phân bổ nguồn lực thì ban điều hành thấy việc phát triển mạng lưới, sản phẩm cần được ưu tiên hơn trong bối cảnh nhu cầu vốn của VIB chưa cấp thiết do hệ số an toàn vốn CAR đã rất cao (17%).

Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cũng giải thích thêm: “Phải làm sao để VIB niêm yết một cách có trách nhiệm nhất, để có lợi nhất cho cổ đông. Khi nào ngân hàng cảm thấy đã đủ sức về hạ tầng, đủ sức tiêu thụ lượng vốn lớn huy động qua thị trường chứng khoán để đầu tư cho đồng vốn của cổ đông hiệu quả nhất thì mới là thời điểm thích hợp”.

Đại diện cổ đông chiến lược – Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), ông Graham Putt cũng cho biết đơn vị này chắc chắn mong muốn VIB niêm yết trên sàn chứng khoán. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần phải lựa chọn thời điểm sao cho phù hợp nhất”, ông Putt nói.

Trước đó, theo báo cáo trình cổ đông, VIB nêu ra hai kịch bản tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Phương án thứ nhất, tín dụng dự kiến tăng 11%, bằng với mức thực hiện của năm 2014 và theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao trong 2015. Mức tăng này tương ứng dư nợ cho vay là 42.380 tỷ đồng. Phương án thứ hai, VIB kế hoạch tăng dư nợ cho vay 27% lên 48.532 tỷ đồng. Lãnh đạo của VIB cho biết đang xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước thông qua chỉ tiêu này bởi đây mới là kế hoạch dựa trên khả năng thực tế.

Năm 2014, VIB tăng 38% doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 648 tỷ đồng. Theo kế hoạch trình cổ đông, ngân hàng này dự kiến lãi năm 2015 tăng 1% lên 655 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 9%, huy động vốn tăng 8%, nợ xấu dưới 3%.

Năm ngoái, VIB tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng thận trọng khi mạnh tay trích lập gần 1.200 tỷ đồng để dự phòng rủi ro (tăng 36% so với năm 2013). Tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,82% đầu năm xuống 2,51%. Theo ông Hồ Vân Long, Giám đốc tài chính VIB, sau 4 năm, số dư trích lập dự phòng rủi ro đã tương đương 10% tổng dư nợ – gấp 2,5 lần so với mức trích lập trung bình ngành.

Tại cuộc họp lần này, VIB đề xuất cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt 9%, cổ phiếu thưởng 14%. Qua trả cổ phiếu thưởng, VIB cũng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 595 tỷ đồng trong năm 2015.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339