Chủ shop online lo lắng trước chiêu cướp khách

Đến tháng 5/2015, Việt Nam có khoảng 40 triệu người dùng internet, trong đó có đến 30 triệu người có tài khoảng mạng xã hội Facebook. Lượng người dùng ngày càng tăng cũng dẫn đến sự phát triển của các dịch vụ ăn theo, tiêu biểu là tạo ra một cộng đồng mua bán hàng hóa qua mạng (bán online) với đủ các loại sản phẩm. Tuy nhiên, do người mua – người bán không gặp trực tiếp mà chủ yếu trao đổi qua Facebook, hình thức bán hàng này đang gặp phải một số rủi ro, nổi lên thời gian gần đây là nhiều chủ cửa hàng đang kêu bị lấy cắp thông tin khách hàng từ các cá nhân khác.

Chị Hà Phương Thảo – chủ một shop bán hàng quần áo online ở Lạc Long Quân (Hà Nội) cho biết gần hai tuần nay, chị đau đầu với việc một số cá nhân là những người bán hàng trực tuyến khác chuyên đi rình mò trên fanpage cửa hàng hàng để “cướp” những đơn hàng của chị. “Trước kỳ nghỉ lễ, một số khách hàng phản ánh sau khi đặt hàng trên fanpage thì ngay lập tức có người kết bạn, hỏi thông tin cá nhân và mời mua hàng. Lúc này mình không để ý, nhưng sau nhiều khách nói quá thì mình mới điều tra và phát hiện có người lợi dụng để cướp khách của shop, gây thiệt hại rất nhiều về tài chính cũng như uy tín của cửa hàng”, chị Thảo bức xúc.

shop-JPG-4709-1430739184.jpg

Ngoài việc lo phát triển khách hàng, các chủ shop online cũng đang đau đầu với nạn cạnh tranh không lành mạnh.

Cụ thể, khi chị đăng sản phẩm lên Facebook hoặc quảng cáo trên fanpage, chỉ cần khách hàng “comment” (bình luận) hay “like” (thích) bức ảnh là những người bán hàng khác đã kết bạn và nhắn tin lại để quảng cáo sản phẩm, giao hàng cho khách. Thậm chí, khi biết khách đã đặt hàng, để lại số điện thoại, nhóm này ngay lập tức gọi điện, lấy danh nghĩa của cửa hàng để hỏi lại địa chỉ và chuyển phát nhanh món hàng đó. Do giao hàng chậm hơn, sản phẩm của chị Thảo liền bị trả lại.

“Buôn bán bao năm trời, bỏ bao công sức, tiền bạc… của mấy con người để gây dựng nên fanpage này, mình thực sự bức xúc vì bị cướp trắng trợn như vậy”, chị Thảo nói.

Nhiều cá nhân khác còn bỏ thời gian theo dõi, tìm hiểu các chủ shop bán hàng online được quan tâm để lập nên những trang Facebook giả có tên và hình ảnh tương tự như người bán. Với hình thức này, họ kết bạn được với nhiều người có nhu cầu mua sắm do lợi dụng được uy tín của các chủ shop thật. Việc này đã được người bán hàng cảnh báo nhiều trên Facebook hay cộng các diễn đàn để người mua tránh bị kẻ gian lừa đảo. Hồi tháng 3 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Hà Nội cũng từng tạm giữ hai người vì đã mạo danh một shop online chuyên về túi xách hàng hiệu để lôi kéo khách hàng, sau đó lừa khách chuyển tiền đặt cọc và chiếm đoạt hàng triệu đồng.

Trao đổi với VnExpress, thạc sĩ Nguyễn Phan Anh – chuyên gia eMaketing cho hay tình trạng “tranh cướp” khách hàng đã xuất hiện từ khá lâu, khi mà hình thức bán hàng trên Facebook phổ biến. Về mặt bản chất, đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc cho cả người bán hàng chân chính và thiệt thòi cho khách hàng.

Cụ thể, một người bán hàng khi nhận được đơn hàng của khách, họ có thể chưa kịp xác nhận gì thì trong 30 phút sau, khách hàng đã nhận được đơn hàng từ một người bán hàng khác giả danh shop đó. Nếu may mắn, khách hàng có thể nhận được hàng tốt, đúng chất lượng, nhưng nếu không may mắn họ phải “cam chịu” những hàng hóa có chất lượng kém hơn nhiều, và người thiệt thòi luôn là shop bán hàng thật.

“Đây là mặt yếu của kinh doanh trực tuyến mà cụ thể là Facebook, bởi người kinh doanh chân chính khó có thể kiểm soát được hết”, thạc sĩ Nguyễn Phan Anh cho hay.

Để hạn chế việc bị người khác lấy cắp thông tin khách hàng, chuyên gia này khuyến nghị các chủ shop online nên lập một website và chạy quảng cáo trên đó, điều này sẽ giảm thiểu nhiều tình trạng cướp “comment” của khách. Hoặc nếu chạy quảng cáo hoặc đưa nội dung thông tin bán hàng trên Facebook, người bán phải thường xuyên cập nhật thông tin để ẩn, xóa những bình luận mua hàng của khách như như số điện thoại, tài khoản cá nhân…, lưu thông tin đó vào máy tính và chăm sóc khách hàng tiềm năng của mình ngay sau đó.

Những cá nhân làm ăn lớn có thể đầu tư mua phần mềm quét dữ liệu khách hàng và tự động ẩn bình luận để giảm thiểu rủi ro, có những hướng dẫn, chỉ báo và cảnh báo khách hàng về nạn “người bán hàng giả mạo” để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình…

Mặt khác, người mua cũng nên chọn những người bán hàng uy tín, tin tưởng, nếu là nhà bán lẻ thì nên chọn những nhà bán lẻ có thương hiệu để có thể yên tâm về vấn đề thanh toán và hàng hóa và luôn sử dụng phương thức khôn ngoan là xem hàng trước rồi mới nhận hàng và thanh toán.

Hiện tại, nhiều shop đã có phương án để phòng tránh rủi ro. Chủ shop Hà Phương Thảo mới đây đã đăng tuyển nhân viên kiểm tra tin nhắn của khách hàng để nhanh chóng phản hồi những comment trên Facebook, tránh kẻ xấu hẫng tay trên. Chấp nhận mất thêm chi phí, song chị Thảo nhận định điều này sẽ giúp cho cửa hàng không bị rơi vào tình trạng chưa kịp nhìn thấy yêu cầu của khách đã bị người khác cướp mất.

Những chủ shop có kinh nghiệm khác cũng nghĩ ra phương án không để lộ thông tin giá cả, khách hàng trên fanpage để ngăn chặn đối thủ rình mò biết được tên tuổi khách hàng quan tâm, hoặc nhắn tin để thông báo mình cũng bán sản phẩm đó nhưng giá rẻ hơn. “Với những khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm, mình thường ghi chú khách nên nhắn tin trực tiếp để hỏi thông tin về giá cũng như cách để giao hàng, như vậy thông tin sẽ được giữ bí mật”, chị Hạnh – chủ một shop bán hàng mỹ phẩm cho hay.

Huyền Thư

0913.756.339