Hàng loạt các điểm mới trong giao dịch chứng khoán sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2016 theo văn bản nêu trên, với kỳ vọng tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như đẩy thanh khoản lên cao.
Theo Điều 7 của Thông tư, nhà đầu tư được phép mua bán chứng khoán chờ về. Đây là những cổ phiếu đã được nhà đầu tư mua trên hệ thống và đang trong quá trình hoàn tất chuyển quyền sở hữu.
Nhiều điểm mới trong giao dịch chứng khoán sẽ được áp dụng từ 1/7/2016 |
Nhà đầu tư được vừa mua, vừa bán một loại cổ phiếu trong phiên giao dịch liên tục và phiên đóng cửa nếu lệnh đó được đặt trong phiên khớp lệnh liên tục. Đây là bước đột phá về giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, các bên sẽ không được đặt lệnh vừa mua, vừa bán một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh mở – đóng cửa. Mọi hoạt động thanh toán giao dịch, chi trả phải được thực hiện qua ngân hàng thương mại.
Thông tư 203 cũng quy định rõ việc giao dịch chứng khoán trong ngày (giao dịch mua và bán cùng một loại chứng khoán với cùng một khối tượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày). Điều kiện thực hiện là có hợp đồng với các công ty chứng khoán và đảm bảo các nguyên tắc sau: Tài khoản giao dịch là tài khoản riêng; Nhà đầu tư không được giao dịch lô lẻ, thỏa thuận; số chứng khoán bán phải bằng với số mua trong cùng ngày giao dịch và ngược lại…
Các công ty chứng khoán có quyền lựa chọn loại cổ phiếu có trong danh sách niêm yết được giao dịch ký quỹ để cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày cho khách hàng. Tuy nhiên, trong một ngày, tổng giá trị giao dịch không được vượt quá vốn chủ sở hữu của công ty.
Trong trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh bán trước khi mua, hoặc khối lượng bán nhiều hơn số đã mua trước đó, hoặc lệnh giao dịch vượt quá hạn mức tối đa, công ty chứng khoán có trách nhiệm từ chối không thực hiện.
Ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường trong nước khẳng định điểm nổi bật của Thông tư mới là cho phép mua bán chứng khoán trong ngày và bán chứng khoán chờ về. Trên thực tế, việc này khá phức tạp và nhiều nước không khuyến khích. Đặc biệt tại Việt Nam, hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ nên chứa đựng nhiều rủi ro.
“Thực chất đây chỉ là một sản phẩm mới tạo nghiệp vụ, giúp tăng tần suất giao dịch, từ đó đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh. Bình thường mua T+3 hay T+2 phải đợi chứng khoán về tài khoản mới bán được, nay có thể giao dịch trong ngày, thậm chí bán khi chứng khoán chưa về nên tạo hiệu hứng đòn bẩy, có ít tiền nhưng có thể giao dịch được nhiều hơn”, ông Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thông tư 203 cũng quy định công ty chứng khoán được phép cho khách hàng vay giao dịch ký quỹ phải không thuộc diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt. Các công ty này cũng không được lỗ luỹ kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ, có tỷ lệ vốn khả dụng phải đạt theo quy định pháp luật chứng khoán về an toàn tài chính, tỷ lệ tổng nợ trên vốn khả dụng không quá 3 lần; không bị sáp nhập, giải thể, ngừng hoạt động… Ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính năm gần nhất phải là chấp thuận toàn phần.
Vốn chủ sở hữu của các công ty cũng không thấp hơn vốn pháp định, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro…
Ông Nguyễn Sơn cho rằng việc quy định chặt chẽ trong ngày sẽ tạo ra một cuộc sàng lọc lớn với các công ty chứng khoán khi Thông tư 203 có hiệu lực. Theo đó các công ty làm ăn yếu kém sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi, tạo ra xu hướng dịch chuyển nhà đầu tư từ các công ty yếu kém này sang các công ty lớn có hiệu quả đầu tư tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi áp dụng
Việc cho phép bán chứng khoán trong ngày được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng các giao dịch trong ngày.
Bạch Dương