Châu Á xoay xở cứu chứng khoán

Hôm qua, Đài Loan (Trung Quốc) đã ra lệnh cấm bán khống cổ phiếu với giá thấp hơn giá đóng cửa hôm trước. Trong khi đó, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ có hành động sau khi quỹ ETF lớn nhất nước này có tuần bị rút vốn mạnh nhất 15 năm. Cuối tuần trước, Trung Quốc cũng lần đầu cho phép các quỹ hưu trí đầu tư vào cổ phiếu, đồng thời phạt các cổ đông lớn của các công ty đại chúng vi phạm luật hạn chế bán ra.

Sáng nay, các thị trường châu Á lại tiếp tục đi xuống. Đến 10h30 (giờ Hà Nội), Shanghai Composite Index trên sàn Thượng Hải mất 8,25%, MSCI châu Á – Thái Bình Dương giảm ngày thứ 7 liên tiếp, với 2%. Topix (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) đều giảm gần 4%.

tq-1727-1440388443.jpg

Chứng khoán Trung Quốc sáng nay đã xuống đáy 6 tháng. Ảnh: Bloomberg

Tuần trước, chứng khoán Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) và Indonesia đã bước vào thị trường giá xuống, khi liên tục giảm sau động thái hạ giá tiền tệ của Trung Quốc ngày 11/8, và viễn cảnh Mỹ lần đầu tăng lãi suất trong gần 10 năm. Do việc này gây ra lo ngại tăng trưởng giảm sút và các quỹ càng tăng tốc rút vốn.

“Hy vọng là các chính phủ châu Á không hoảng loạn vì tình hình thị trường hiện tại và không tìm đến các biện pháp có thể gây ảnh hưởng liên hoàn. Cuộc đua hạ giá nội tệ có thể khiến tất cả đều là kẻ thua cuộc, nếu nước nào cũng sử dụng cách này”, Sandy Mehta – CEO Value Investment Principals nhận xét.

Tại Hàn Quốc, giới chức tài chính được đề nghị tổ chức các cuộc họp để theo sát thị trường và áp dụng các biện pháp khi cần thiết – Ủy ban Dịch vụ Tài chính nước này cho biết. Căng thẳng hai miền Triều Tiên đã khiến iShares MSCI South Korea Capped ETF – quỹ tín thác lớn nhất nước này có tuần bị rút vốn mạnh nhất từ khi thành lập năm 2000. Nhà đầu tư đã rút 195,4 triệu USD khỏi quỹ này, theo số liệu của Bloomberg.

Cơ quan giám sát tài chính Đài Loan từ hôm nay cấm bán khống cổ phiếu và chứng chỉ lưu ký (DR). Dù vậy, luật này không áp dụng với các công ty môi giới bán khống nhằm phòng trừ rủi ro. Chứng khoán Đài Loan tuần trước đã mất 5,2%.

Trong khi đó, tại Indonesia, quỹ tín thác lớn nhất nước này lại nhận định đợt sụt giảm này là cơ hội để mua vào. BPJS Ketenagakerjaan sẽ gia nhập thị trưởng cổ phiếu cùng các nhà đầu tư tổ chức quốc doanh khác. Trong một thông báo hôm qua, Giám đốc quỹ này – Elvyn Masassya nhận xét giá cổ phiếu đang “tương đối rẻ”.

Cuối tuần trước, quan chức chứng khoán Trung Quốc cũng cho biết sẽ phạt các cổ đông lớn tại các công ty đại chúng, như Southwest Securities hay Guoxing Rongda Real Estate, vì vi phạm lệnh hạn chế bán. Cuộc điều tra của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc tập trung vào việc các cổ đông có bán nhiều hơn quy định hay không, có bán trong thời kỳ đang bị cấm và có công bố thông tin kịp thời không.

Hà Thu (theo Bloomberg)

0913.756.339