CEO An Phước: ‘Con trai tôi bị ép theo nghiệp gia đình’

Bà Điền thành lập An Phước khi Trần Minh Khoa, cậu con trai đầu lòng, vừa tròn 9 tuổi. Thời đó kinh tế khó khăn, rời công ty Nhà nước, bà cùng chồng tay ngang mở công ty nên phải vừa làm vừa học. Sau 25 năm, An Phước giờ đã phát triển với quy mô hơn 4.000 nhân viên. Để xây dựng lớp kế cận, ngay khi Khoa vừa 15 tuổi, bà Điền đã đưa con sang Mỹ học và định hướng con học ngành quản trị gần như là… ép buộc.

– An Phước là một trong những công ty gia đình khá thành công trên thương trường, tại sao vị trí Tổng giám đốc lại do bà đảm trách mà không phải là chồng?

– Đặc thù ngành nghề của An Phước là may mặc và đây vốn là thế mạnh của phụ nữ. Trước đây, tôi là người đứng ra thành lập công ty, đến khi hoạt động khoảng 7 năm, quy mô phát triển mạnh hơn và bắt đầu mở rộng sang mảng chuyên may quần áo cho nam thì tôi mới mời chồng về phụ giúp.

Vì ở mảng này, ông xã sẽ là người hiểu rõ nhất phong cách thời trang dành cho nam là như thế nào, loại vải ra sao sẽ phù hợp… Và chồng tôi luôn là người mặc đồ mẫu, sản phẩm mẫu cho công ty trước khi quyết định tung ra thị trường hay không.

An-Phuoc-final-6940-1429494681.jpg

Tổng giám đốc An Phước Nguyễn Thị Điền cùng con trai Trần Minh Khoa. Ảnh: QH

Con trai bà hiện cũng đang làm tại An Phước với vị trí Phó tổng giám đốc. Vậy bà có thể chia sẻ vài điều liên quan đến hành trình gia nhập công ty của cậu ấy?

– Ai nuôi con cũng mong có ngày chúng thành nhân. Tôi có hai người con, một trai một gái. Với cháu gái thì tôi cho được tự do lựa chọn theo sở thích của mình. Riêng con trai, khi cháu học cấp ba, chúng tôi đã tự quyết định luôn là cháu phải học quản trị để kế nghiệp gia đình.

Cháu từng thắc mắc: “Tại sao mẹ không bao giờ hỏi con muốn học gì mà lại bắt con phải học theo nghề của gia đình?”. Lúc đó, tôi chỉ biết nói rằng, tất cả tâm huyết, gia sản của bố mẹ đều dồn vào công ty này. Do đó, con cần phải học và về tiếp quản An Phước. Ban đầu, cháu cũng khó chịu, không bằng lòng, chúng tôi đã phải liên tục làm công tác “dân vận” để trấn an tư tưởng con.

Sau khi tốt nghiệp, gia đình có cho cháu làm việc ở nước ngoài một thời gian để có kinh nghiệm, sau đó mới đưa về công ty làm quen với từng khâu việc cơ bản.

Từ ép buộc, vậy hiện tại con trai bà làm việc tại Công ty An Phước như thế nào?

– Thay vì phải thuê cộng tác viên bên ngoài vào làm thì giờ công ty có con trai đảm trách một số khâu việc nên tôi cũng trả lương cho cháu, nhưng chỉ một phần nào thôi. Điều này nhằm tạo cho cháu cảm giác đang đi trên đôi chân của chính mình.

Về công việc, đôi lúc cháu bị cha la rầy nên cũng tự ái và có ý định ra ngoài làm vì nghĩ có trình độ, có kinh nghiệm nên muốn tự thân lập nghiệp. Tuy nhiên, tôi luôn động viên rằng, thà bị cha la rầy còn hơn là bị người ngoài mắng. Hơn nữa, tôi cũng phải ràng buộc cháu bằng một trọng trách lớn đó là phải gánh vác sản nghiệp của bố mẹ và làm vì trách nhiệm với gia đình lớn này. Dần dần, cháu cũng bắt đầu yêu thích công việc hơn và đang có sự tiến triển tốt.

Hiện tại, dù cháu đã làm được một thời gian rồi nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa thực sự yên tâm giao toàn bộ công việc quản lý công ty mà chỉ dám giao từng mảng, từng phần.

Vậy bà dự định khi nào thì mới buông công việc để giao hẳn cho con trai?

– Tôi quan niệm rằng, còn sức thì mình cứ làm việc chứ chưa muốn ngừng. Với tình hình hiện nay, có thể ít nhất phải 5 năm nữa tôi mới nghĩ đến việc giao hẳn công việc điều hành công ty cho con trai.

– Vậy có bao giờ bà hình thành quan niệm phân biệt con dâu, con rể trong việc hoạch định người vào trong ban quản trị công ty?

– Nhà tôi chỉ có một trai, một gái và hiện tại mới có con dâu. Nhìn cơ bản, cháu cũng rất có tố chất. Lúc này, việc cơ cấu vào ban quản trị công ty thì chưa, nhưng con dâu tôi đã có những đóng góp nhất định cho công việc của gia đình. Chúng tôi cần phải xem xét thời gian, coi cháu có yêu thích công việc này không? Có toàn tâm toàn ý với công ty hay không?… thì mới tính tiếp. Và quan điểm của tôi là sẽ dựa trên năng lực thực sự để lựa chọn.

Lệ Chi

0913.756.339