Diễn đàn Kinh tế do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức thường niên, mỗi năm hai kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Kỳ họp lần này diễn ra trong 2 ngày 21-22/4 tại Nghệ An. Nội dung được các chuyên gia chuẩn bị chủ yếu tập trung vào những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, với 17 tham luận trên tổng số gần 30 ý kiến được gửi tới diễn đàn.
Tương tự như nhiệm vụ được Ủy ban Kinh tế đặt ra cho nội dung này là “biến lời nói thành hành động”, câu chuyện về môi trường kinh doanh tại Việt Nam không mới, song rất thiếu những kết quả cụ thể, dù nhiều giải pháp vẫn được đưa ra hằng năm.
Diễn đàn kinh tế Mùa xuân được kỳ vọng sẽ nhận được những ý kiến thẳng thắn về cải cách của các chuyên gia. Ảnh: Nguyễn Đông |
Trong 6 năm gần đây, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh, Việt Nam đều giữ hạng từ 60 đến 75, tức là ở nửa sau của chuỗi giá trị toàn cầu, với những điểm nghẽn hầu như không được cải thiện về thể chế, minh bạch, cơ sở hạ tầng hay chất lượng lao động. Trong khi ở cấp độ quốc gia, thời gian làm thủ tục hành chính, thuế – hải quan… là rào cản đối với doanh nghiệp, thì theo Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố, ngoại trừ Đà Nẵng ổn đỉnh với phong độ cao, TP HCM có nhiều cố gắng vươn lên trong Top 10, hầu hết các “đầu tàu” kinh tế khác còn khá trễ nải trong việc cải thiện sức hấp dẫn đầu tư.
Những thách thức nêu trên đặt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, cần những động lực mới từ khối tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài, khiến yêu cầu cải thiện thực chất môi trường kinh doanh càng trở nên bức thiết.
Trong các tham luận gửi tới diễn đàn, các chuyên gia kinh tế kỳ cựu như Lê Đăng Doanh, Nguyễn Đình Cung, Trần Du Lịch… đều tập trung vào câu chuyện cải cách thể chế, hoàn thiện khung pháp lý, chống tham nhũng, chuyển đổi dứt khoát sang kinh tế thị trường, nhận thức lại vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước… Tuy nhiên, các giải pháp được đưa ra trong văn bản tham luận vẫn còn khá chung chung, khiến dư luận chờ đợi nhiều hơn vào phần trao đổi, được đánh giá là luôn thẳng thắn tại diễn đàn.
Bên cạnh câu chuyện môi trường kinh doanh, trong các tham luận đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô 2014 và những tháng đầu năm 2015, đa phần ý kiến chuyên gia đều đánh giá cao tính ổn định, song là ổn định ở mức độ thấp của nền kinh tế, trong bối cảnh tổng cầu phục hồi chậm và Việt Nam chưa tìm ra động lực mới cho tăng trưởng.
Trong số hơn 10 tham luận, tiến sĩ Lê Việt Đức gây chú ý khi đưa ra nhận định về việc kinh tế Việt Nam 2014 “ổn định về lượng, trì trệ về chất và chưa rõ tương lai”. Chuyên gia này cho rằng nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định ở mức thấp so với tiềm năng, trong khi chất lượng lại tiếp tục trì trệ; tỷ lệ đầu tư được giữ ở mức hợp lý nhưng hiệu quả chậm được cải thiện…
Trong khi đó, các chuyên gia các cũng cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục gặp thách thức trong bối cảnh hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do “ở trình độ rất cao” vào cuối năm nay, từ đó cần những giải pháp căn cơ hơn để tránh những tổn thất cho nền kinh tế.
Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng thống kê, sau khi tốc độ tăng trưởng quý I/2015 được công bố đạt 6,03%, gây bất ngờ cho giới khoa học cũng như chính các thành viên Chính phủ. Có ý kiến cho rằng những thống kê hiện nay của Việt Nam giống về tên gọi so với thế giới, song lại khác về bản chất. Từ đó, không ít người tiếp tục đề xuất việc tách Tổng cục Thống kê khỏi bộ máy điều hành, trở thành một cơ quan độc lập hoặc trực thuộc Quốc hội. Đây cũng là câu chuyện dự kiến thu hút được nhiều quan tâm của các đại biểu tại diễn đàn năm nay.
Nhật Minh