Cải cách thuế quan trọng là thay đổi thái độ cán bộ

Bà Wendy Werner, Giám đốc Khối Thương mại và Cạnh tranh, Khu vực châu Á – Thái Bình dương, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong vấn đề tăng cường tính minh bạch và cải thiện thái độ phục vụ của cán bộ thuế, hải quan.

anh-bai-phong-van-WB-1348-1412486341.jpg

Bà Wendy Werner cho rằng việc thay đổi nhận thức của cán bộ thuế, hải quan là việc làm thách thức, mất nhiều thời gian. 

– Đánh giá của WB trong Báo cáo môi trường Kinh doanh 2014  là một trong những nhân tố thúc đẩy Chính phủ, Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan. Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ và ngành Tài chính trong thời gian gần đây? 

– Tôi cho rằng đây là một bước tiến lớn trong việc cắt giảm gánh nặng tuân thủ các thủ tục hành chính thuế đối với doanh nghiệp. Tôi được biết để xây dựng các phương án cải cách và hiện thực hóa các phương án đó thông qua việc sửa đổi các văn bản pháp luật, đã có một khối lượng công việc rất lớn được hoàn thành trong khoảng thời gian rất ngắn. 

Điều này khẳng định quyết tâm lớn từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng như sự làm việc nhiệt tình của Tổng cục Thuế. Đây cũng là một minh chứng cho thấy với quyết tâm chính trị mạnh mẽ thì Việt Nam có thể cải cách rất nhanh, và bài học này cần được áp dụng sang các ngành, lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, điều quan trọng là việc triển khai những cải cách này trên thực tế phải nhanh chóng, thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp có thể cảm nhận ngay được kết quả cải cách và hài lòng với những thay đổi đó.

Việc đơn giản hóa các thủ tục và mẫu biểu sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn những thực tiễn tốt trên thế giới trong việc khai thuế. Tuy nhiên, còn rất nhiều dư địa cho cải cách, và Việt Nam cần phát huy những kết quả bước đầu này để xây dựng các phương án cải cách cơ bản và bền vững hơn nữa.

– Theo bà, các biện pháp trên sẽ có tác động như thế nào đến doanh nghiệp, cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh của Việt Nam trong mắt của nhà đầu tư nước ngoài?

– Thuế là lĩnh vực có tác động tới mọi doanh nghiệp và vì vậy một khoản đầu tư nhỏ cho cải cách sẽ mang lại kết quả có tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp. 

Với những cải cách vừa đưa ra, gần nửa triệu doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi và tiết kiệm được hàng triệu giờ khai thuế mỗi năm. Quan trọng hơn, thời gian tiết kiệm sẽ được doanh nghiệp sử dụng vào các hoạt động mang lại giá trị gia tăng, và từ đó sẽ tạo thêm việc làm cũng như tăng trưởng cho đất nước.

Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong vấn đề tăng cường tính minh bạch và cải thiện thái độ phục vụ của cán bộ thuế, hải quan. Tuy nhiên, khác với việc đơn giản hóa các thủ tục, mẫu biểu, thay đổi nhận thức của cán bộ là việc làm có nhiều thách thức hơn và mất nhiều thời gian hơn. 

Vì vậy sẽ đòi hỏi cam kết chính trị mạnh mẽ hơn nữa từ mọi cấp cũng như sự hỗ trợ của cộng đồng. Tôi tin tưởng rằng, với những cải cách ở cấp độ thể chế cũng như triển khai trên thực tiễn, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Là một trong các tổ chức đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính thực hiện các dự án cải cách, hiện đại hóa hai ngành thuế, hải quan, bà có thể gợi ý giải pháp để đạt được mục tiêu hiện đại hóa của hai ngành này?

– Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam cần xây dựng các phương án cải cách cơ bản nhằm bảo đảm tính bền vững. Việt Nam nên áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế và hải quan nhằm nâng cao việc tuân thủ trong khi vẫn có thể tiếp tục đơn giản hóa cho phần lớn các doanh nghiệp. Việc ứng dụng các dịch vụ và quy trình điện tử cũng sẽ giúp ích rất nhiều. 

Ngoài ra, Chính phủ cần áp dụng cách tiếp cận hướng vào doanh nghiệp nhằm bảo đảm cộng đồng này có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng các văn bản pháp luật trong lĩnh vực thuế, hải quan cũng như trong việc quản lý hàng ngày. Việc đối thoại công – tư gần gũi hơn sẽ giúp cơ quan quản lý tìm ra các giải pháp sáng tạo hơn nhằm nâng cao hiệu suất và hiệu quả, đồng thời tránh được những sai sót đáng tiếc. 

Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp tục so sánh với những thực tiễn quốc tế tốt nhất sẽ bảo đảm duy trì vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo cáo công bố giữa tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy việc doanh nghiệp Việt mất tới 872 giờ mỗi năm để nộp thuế, bảo hiểm… đã đặt các cơ quan quản lý trước nhiều thách thức trong suốt thời gian qua. Kết quả này cao hơn nhiều mức trung bình khu vực và thế giới, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh chung của kinh tế Việt Nam.

Tại cuộc làm việc với ngành vào tháng 7, Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính đều cho rằng thủ tục hành chính thuế còn phức tạp, khó khăn, không những làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp mà còn nảy sinh tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, làm thất thu thuế. Do đó, trong thời gian tới phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực.

Một loạt chính sách cụ thể cũng đã được Bộ Tài chính đưa ra gần đây như việc cắt giảm các thủ tục kê khai không cần thiết. Ngoài ra, ngành tài chính còn đề xuất tổng cộng 23 giải pháp chờ Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, trong đó có việc gia hạn, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp…  Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ, trình Quốc hội một số giải pháp như xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan (tồn kho cao, vay ngân hàng lãi suất trên 15%, doanh nghiệp có thị trường bị co hẹp…). 

Kỳ Duyên

0913.756.339