Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hữu Đương – Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, từ giữa tháng 9/2015, CIC đã mở cổng tra cứu dữ liệu về lịch sử tín dụng, tín nhiệm. Theo đó, các cá nhân, doanh nghiệp có thể trực tiếp đến tham khảo, tra cứu thông tin tín dụng của mình tại trụ sở CIC.
Kết quả xếp hạng tín dụng với hơn 22.700 doanh nghiệp của CIC năm 2014 cho thấy, chỉ có 3% doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp lớn) được xếp hạng AAA – mức đánh giá cao nhất được các nhà băng tham khảo khi ra quyết định tín dụng. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá ở mức BB, BBB. |
Hiện nay, các dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng trên CIC được xem là thông tin đầu vào quan trọng, được tất cả các ngân hàng tham khảo trước khi đưa ra quyết định vay vốn đối với cá nhân hay doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, không ít người đã rất bất ngờ khi biết mình đã có khoản nợ ở ngân hàng trong lần đầu tiên đến nhà băng hỏi vay tiền. Hoặc một vài doanh nghiệp không biết thông tin xếp hạng tín dụng ở mức độ nào khi tính toán phương án vay vốn.
Do đó, để mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể theo dõi được tình trạng tín dụng của mình, CIC sẽ cung cấp dữ liệu này tới từng khách hàng thay vì chỉ phục vụ các tổ chức tín dụng như trước đây. Tuy nhiên, lãnh đạo CIC cho biết dự kiến đến năm 2016, cơ quan này mới áp dụng công nghệ cho phép xem trực tuyến qua mạng. Hiện tại, khách hàng vẫn phải đến tận CIC và xuất trình các giấy tờ cần thiết như CMND, giấy đăng ký kinh doanh… để được tra cứu.
Hiện cơ sở dữ liệu của CIC có thông tin của 15 triệu khách hàng vay có dư nợ với ngân hàng, trong đó có khoảng 110.000 doanh nghiệp vay tín dụng mỗi năm. Đồng thời, CIC cũng lưu giữ 3 triệu hồ sơ tài sản đảm bảo, 2 triệu thẻ tín dụng và 70.000 báo cáo tài chính của doanh nghiệp hàng năm. Ông Nguyễn Hữu Đương còn cho biết, bên cạnh hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, CIC cũng có hệ thống dữ liệu đánh giá lãnh đạo các công ty.
Thanh Thanh Lan