Bộ Tài chính: Không vì nguồn thu mà tăng phí tùy tiện

Trong bối cảnh nhiều loại phí, lệ phí đồng loạt tăng thời gian qua, có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do Ngân sách Nhà nước cần thêm tiền nên đã ban hành tùy tiện các loại phí, lệ phí cũng như liên tục tăng mức thu. Trước vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định các khoản phí, lệ phí hiện hành hoàn toàn nằm trong danh mục và chỉ có Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân có thẩm quyền ban hành, các tổ chức, cá nhân không được tự đặt ra các khoản thu hay sửa đổi mức thu.

“Thực tế, các quy định thu phí đều được thực hiện theo đúng quy trình, có những khoản các Bộ, ngành xây dựng mức thu và đề xuất với Chính phủ hoặc Bộ tài chính. Còn các khoản phí lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xây dựng, trình Hội đồng nhân dân phê duyệt”, cơ quan này cho biết.

phi-duong-bo-2058-1433470786.jpg

Lãnh đạo Vụ Chính sách thuế khẳng định không có hiện tượng phí chồng phí tại các dự án giao thông BOT. Ảnh: Bá Đô

Liên quan đến việc tăng thu, Bộ Tài chính cho rằng việc ban hành mức thu mới hoặc điều chỉnh phí, lệ phí đã được quy định trong Pháp lệnh. Thời gian qua, chi phí cung cấp nhiều dịch vụ đã tăng như giá nguyên liệu, nhân công, tiền điện, do đó cơ quan quản lý phải điều chỉnh phí nhằm bù đắp.

“Thời gian qua có nhiều khoản thời gian dài mới tăng, như phí kiểm định phương tiện đường thủy, đường biển, phí sử dụng đường bộ được ban hành từ năm 2004 đến 2013 mới điều chỉnh. Việc thay đổi cùng thời điểm nên người dân thấy có nhiều khoản phí tăng”, Bộ nêu.

Về ý kiến cho rằng hiện nay đang có hiện tượng “phí chồng phí” tại các dự án BOT do người dân vừa phải trả phí bảo trì lẫn phí sử dụng đường bộ, tại buổi Hội thảo về dự án Luât phí và lệ phí chiều 4/6, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nhận định không có chuyện này.

Theo ông, phí bảo trì đường bộ dành để bảo trì những con đường do Nhà nước đầu tư, không thu phí. Trong khi đó, những tuyến đường BOT là do doanh nghiệp bỏ vốn, kinh doanh và khi hoàn vốn mới chuyển giao lại cho khu vực công quản lý. Do đó, khi lưu thông trên những tuyến đường này, người dân phải trả phí sử dụng đường bộ.

Đại diện Bộ Tài chính cũng phản ánh hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa các loại phí với giá dịch vụ. “Hiện nhiều người có quan niệm rằng cứ sử dụng dịch vụ phải trả tiền là khoản thu phí và lệ phí nên thấy có nhiều khoản. Thực tế có rất nhiều khoản thu hiện là giá dịch vụ”, ông Thi cho biết.

Vị này lấy ví dụ khi mua vé vào cửa khu du lịch, nhiều người cho rằng vé này là một khoản phí, nhưng thực chất đây là giá bởi công trình do tư nhân đầu tư. Phí, lệ phí chỉ là những khoản nằm trong danh mục do Nhà nước ban hành.

Pháp lệnh phí và lệ phí có hiệu lực từ năm 2002 đề ra 73 khoản phí, 42 khoản lệ phí mà Nhà nước phải thu. Để từng bước chuyển đổi những khoản phí có bản chất là giá dịch vụ sang cơ chế giá thị trường và đảm bảo minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn thu này, dự thảo Luật phí và lệ phí mới đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến.

Theo đó, danh mục sẽ bao gồm 51 khoản phí, trong đó có 36 khoản được kế thừa từ danh mục trong Pháp lệnh trước đây và 15 khoản được bổ sung. Danh mục lệ phí gồm 39 khoản, với 30 khoản được kế thừa và 9 khoản thêm mới.

Huyền Thư

0913.756.339