Đôla ngân hàng vượt 21.570 đồng

Vào cuối giờ chiều, Ngân hàng Ngoại thương – Vietcombank nâng giá mua bán 30 đồng so với đầu ngày, lên 21.490-21.550 đồng. Eximbank tăng mạnh hơn, khoảng 40 đồng so với buổi sáng, lên 21.570 đồng (bán ra. Thậm chí, giá bán của Vietinbank lúc 17h chạm 21.575 đồng.

Trong đợt điều chỉnh giá USD lần này, diễn biến mua bán đôla Mỹ chủ yếu nóng trong các ngân hàng, còn ngoài thị trường tự do khá yên ắng. Các điểm mua bán USD tại Hà Nội và TP HCM bằng đúng với mức đầu ngày, khi công bố quanh 21.660-21.690 đồng.

usd10-9066-1427112975.jpg

USD ngân hàng bật tăng trong khi thị trường tự do vẫn tương đối yên ắng.

Chủ một điểm thu mua ngoại tệ trên đường Lê Lợi, (quận I, TP HCM) cho biết, giao dịch ngày nay khá yếu nên không điều chỉnh giá. “Khách mua và bán ngang nhau với số lượng chỉ khoảng vài nghìn đôla Mỹ nên không có áp lực phải tăng giá”, bà nói.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho biết, vì cầu ngoại tệ có dấu hiệu lớn hơn cung trong chiều nay, nên ngân hàng phải tăng giá. “Tuy nhiên, thanh khoản của nhà băng hiện vẫn ổn”, ông nói.

Từ đầu năm đến nay, euro đã mất giá hơn 12% so với USD. Đồng đôla Mỹ cũng mạnh lên so với hầu hết các ngoại tệ chủ chốt khác. Đây được xem như một áp lực không nhỏ tới tỷ giá USD/VND. Các ngân hàng đã có động thái điều chỉnh giá mua bán từ tuần trước. Từ mốc quanh 21.395 đồng mỗi USD hôm 15/3, đến sáng 21/3 tỷ giá ngân hàng đã lên 21.520 đồng.

Diễn biến này khiến cho nhiều người lo ngại lời cam kết cả năm tỷ giá tăng không quá 2% của Thống đốc đang bị áp lực. Tuy nhiên, theo phân tích của tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính Marketing TP HCM, mục tiêu này là trong tầm khả năng.

Lý do được chuyên gia đưa ra là Ngân hàng Nhà nước đang có lượng ngoại tệ hoàn toàn đủ để can thiệp trên thị trường, thể hiện qua cung ngoại tệ khá dồi dào, cán cân thanh toán liên tục thặng dư trong nhiều năm qua… Bên cạnh đó, cơ quan này cũng có các công cụ hành chính khá hữu hiệu khi nắm trong tay các ngân hàng thương mại lớn có thể can thiệp để ổn định tỷ giá.

Mặc khác, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam họ đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào nên việc tăng tỷ giá cũng khiến chi phí của họ đội lên… Do đó, nhà điều hành cần ưu tiên ổn định tỷ giá, bảo vệ giá trị đồng Việt Nam, theo ông Ngân.

Lệ Chi

0913.756.339