ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn mong đợi

Thông tin trên được ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết tại buổi họp báo sáng nay. Việc nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế là kết quả của nhiều yếu tố, như sản xuất công nghiệp tốt hơn, doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu, niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, chính sách mở thêm room thị trường chứng khoán, bất động sản cũng củng cố niềm tin của doanh nghiệp. 

Lạm phát thấp cũng hỗ trợ tăng trưởng, cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Sang năm 2016, lạm phát dự báo sẽ cao hơn do ảnh hưởng từ việc phá giá tiền đồng.

factory-0-3904-1442894102.jpg

Lạm phát thấp cho phép nhà điều hành duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh: ILO

“Với việc phá giá tiền đồng gần đây, lạm phát từ nhập khẩu sẽ tăng lên một chút trong tháng tới và năm 2016. Xu hướng tiêu dùng tăng, tín dụng cao hơn sẽ phải tiếp tục theo dõi, tạo áp lực lên lạm phát. Đó là lý do chúng tôi dự báo lạm phát tăng cao hơn trong năm  2016. Nhưng điều này cũng cho thấy Việt Nam không phải lo ngại về giảm phát, chúng ta còn xa mới đến tình trạng này”, ông Sidgwick nói.

Nợ công, bao gồm nợ do Chính phủ bảo lãnh, dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Nhưng theo ADB, mối quan ngại về nợ công và trả nợ dự báo sẽ buộc Chính phủ phải kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách, bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, thách thức đối với Chính phủ sẽ là kiểm soát việc thắt chặt chi tiêu này theo lộ trình dần dần, tiên liệu được để tránh gây sốc cho đà đi lên của nền kinh tế. 

“Chính phủ đúng đắn khi ưu tiên theo dõi nợ công, bởi tổng nợ công đã và đang tăng thời gian qua, nhưng quan trọng hơn phải nhìn vào cấu trúc nợ công và tìm giải pháp nhằm giảm chi phí xuống mức thấp nhất cho Việt Nam”, ông Eric bình luận.

Tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự báo sẽ vượt chỉ tiêu ban đầu 13-15% và tăng nhanh hơn trong năm 2016. Một chương trình sáp nhập hoặc đóng cửa các ngân hàng nhỏ và yếu kém sẽ giúp cho hệ thống tài chính trở nên lành mạnh hơn. Ngân hàng Nhà nước hiện nay đang khuyến khích các ngân hàng sáp nhập để đến năm 2017 sẽ giảm số ngân hàng xuống còn khoảng một nửa.

Đánh giá về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng thế nào đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, ông Aaron Batten – chuyên gia kinh tế của ADB đánh giá động thái này sẽ ảnh hưởng chính tới dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường tài chính, và Việt Nam, do thị trường chưa phát triển đủ mạnh nên chưa chịu tác động lớn. “Việt Nam cần theo dõi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi cơ sở cho tăng trưởng đến từ khu vực xuất khẩu”, vị này cho biết.

Đại diện của ADB cũng chỉ ra một số thách thức Việt Nam phải đối mặt. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc – đối tác quan trọng của Việt Nam đang suy giảm, kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn. Giá hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu mỏ và nông nghiệp.

Liên quan đến cổ phần hóa, báo cáo của ADB cho rằng mục tiêu cổ phần hóa 228 doanh nghiệp trong năm nay dường như hơi tham vọng, và dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa muộn hơn, trong năm 2016 hoặc muộn hơn nữa.

Một trở ngại đối với công tác này là thiếu nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng tham gia mua cổ phiếu chào bán ra công chúng lần đầu. Việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tháo gỡ bất cập này, song các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa hào hứng do còn quan ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp và minh bạch tài chính.

“Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam”, lãnh đạo ADB phát biểu.

Phương Linh

0913.756.339