Cổ đông muốn MB đầu tư vào quốc phòng

Bên cạnh những chất vấn về các chỉ tiêu tài chính, kết quả kinh doanh như tại mọi cuộc họp khác, ý kiến một cổ đông lớn tuổi về ngành công nghiệp quốc phòng gây chú ý tại Đại hội cổ đông MB diễn ra sáng 21/4. Vị cổ đông này là cán bộ trong ngành quân đội về hưu, từng có kinh nghiệm nghiên cứu mô hình Ngân hàng Quân đội Thái Lan để áp dụng vào Việt Nam trước đây. Theo đánh giá của ông, các hoạt động dân sự (hoạt động kinh doanh, huy động ở khu vực dân cư, doanh nghiệp) tại MB rất tốt.

“Tuy nhiên, còn một đối tác quan trọng khác, là Bộ Quốc phòng, theo tôi chưa phát huy hết vai trò”, ông nói. Ông đề xuất Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Hữu Đức, người đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nên nghiên cứu tận dụng các nguồn vốn mà MB huy động từ xã hội, để đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng, trong bối cảnh hình hình thế giới hiện rất phức tạp.

“Tôi đã nghiên cứu kỹ trường hợp Ngân hàng Quân đội Thái Lan, họ có đối tác chiến lược là quân đội. Tất cả sĩ quan, bộ đội Thái Lan vừa là cổ đông vừa là khách hàng của ngân hàng”, cổ đông này nói và cho biết đã có một đề xuất riêng gửi ban lãnh đạo về kế hoạch này.

MB-1610-1429591099.jpg

SCIC có thể sở hữu 10% cổ phần tại MB.

Cùng với câu chuyện nêu trên, việc tăng vốn và kế hoạch mua bán, sáp nhập cũng làm “nóng” cuộc họp của ngân hàng. Phó chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết ngân hàng đã từng tìm hiểu 2 ngân hàng để sáp nhập, nhằm tăng quy mô vốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của MB, các đối tác này chưa phù hợp nên phải gác lại.

“Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả sáp nhập. Trong khi đó, vẫn có nhiều phương thức khác để tăng được quy mô, kênh giao dịch. Như MB đã liên kết với Viettel để tăng số lượng khách hàng mà không cần mở rộng nhiều chi phí về mạng lưới”, ông Thái giải thích.

Kế hoạch tăng vốn của MB trong năm 2014 lên 15.500 tỷ đồng đã không thành công. Năm nay, ngân hàng tiếp tục trình cổ đông kế hoạch đưa vốn điều lệ từ 11.594 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cổ phần cho cán bộ nhân viên và các cổ đông chiến lược trong, ngoài nước.

Lý giải về việc tăng vốn, ông Lê Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết – việc này nhằm để đưa MB lọt TOP 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, chỉ đứng sau 4 ông lớn quốc doanh. Bên cạnh đó, theo ông Đức, tăng vốn sẽ giúp mở rộng sản xuất kinh doanh và hoạt động các lĩnh vực khác như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm nhân thọ.

Về tiêu chí tìm kiếm đối tác chiến lược, ông Đức cho biết ngoài có năng lực tài chính thì cổ đông đó phải đảm bảo an toàn cho MB. “HĐQT ngân hàng sẽ ưu tiên các doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp nhà nước”, ông Đức tiết lộ về “khẩu vị” của nhà băng này trong việc tìm đối tác chiến lược trong nước. Dự kiến, 2015, MB sẽ chào bán hơn 390 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Không chỉ vậy, thị trường gần đây có thông tin Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thể sở hữu 10% vốn của MB. Chủ tịch Lê Hữu Đức thừa nhận MB đã làm việc với SCIC và đặt ra các yêu cầu với công ty này. “Giá bán cổ phần dự kiến cho các đối tác chiến lược, trong đó có SCIC, sẽ đảm bảo quyền lợi cho cổ đông”, ông Đức cho biết. Theo tờ trình, MB dự kiến giá chào bán là thỏa thuận có chiết giảm, mức giảm tối đa 25% giá thị trường nhưng không thấp hơn mệnh giá.

Như nhiều ngân hàng khác, tại đại hội lần này, MB cũng hé lộ kế hoạch lập công ty tài chính tiêu dùng. Theo Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Lưu Trung Thái, ngân hàng đề xuất cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định việc lựa chọn đối tác chiến lược cũng như việc mua lại, mua cổ phần hoặc nhận sáp nhập tổ chức tín dụng khác để lập công ty con.

MB dự kiến tăng 8-10% tổng tài sản trong năm 2015, huy động vốn tăng 8% trong khi dư nợ tín dụng tăng 13-15% so với 2014. Năm ngoái, MB lãi trước thuế 3.174 tỷ đồng, và trong năm nay, nhà băng này dự kiến tăng mức lợi nhuận lên 3.250 tỷ đồng.

Ngân hàng Quân đội trả cổ tức 10% năm 2014, trong đó có 7% bằng tiền mặt.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339