“Tuyệt đối không trồng loại cây này trên quy mô lớn tại các khu vực chưa được khảo nghiệm khẳng định hiệu quả”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khuyến cáo. Ông giao ngành nông nghiệp chủ trì phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân trồng cây mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự.
Quảng Ngãi đã khảo sát mô hình trồng mắc ca ở Tây Nguyên và vùng cao Bắc bộ để tiến hành trồng thử nghiệm. |
Theo Chủ tịch Quảng Ngãi, việc trồng khảo nghiệm cây mắc ca phải được quy hoạch chi tiết theo từng tiểu vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loại cây này. Đặc biệt, phát triển trồng mới phải gắn với cơ sở chế biến và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Chỉ cho phép trồng các loại cây được ghép, chiết từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Quý – Trưởng trạm Khuyến nông huyện vùng cao Sơn Tây – cho hay, sau nhiều đợt khảo sát các tỉnh Tây Nguyên và vùng cao phía Bắc, địa phương đã trồng thí điểm hơn 2.000 cây mắc ca trên 6ha ở ba xã Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long từ tháng 9/2014.
“Nhờ điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp, sau gần một năm trồng, cây mắc ca đã sinh trưởng, phát triển tốt cao gần 1,5m, một số cây bắt đầu trổ hoa”, ông Qúy nói.
Theo ông Qúy, cây giống mắc ca được đặt mua ở Đắk Lắk và doanh nghiệp cung ứng giống này đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Các chuyên gia tính toán, cây mắc ca 4-5 tuổi bắt đầu cho thu hoạch, đến 7 tuổi thì thu hoạch rộ mỗi mùa khoảng 25kg.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn phân tích, mắc ca là cây mới, trong quá trình khảo nghiệm cho các kết quả khác nhau, đồng thời, vẫn chưa có một báo cáo phân tích kỹ các vấn đề về chế biến và thị trường. Do đó Bộ chưa đủ căn cứ để đưa ra quy hoạch cây mắc ca, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến…
Để hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, trước mắt Bộ chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân trồng ở những nơi khảo nghiệm thành công, không triển khai trồng trên quy mô lớn tại những nơi chưa được trồng khảo nghiệm hiệu quả. Theo đó, Bộ định hướng đến năm 2020 trồng khoảng 10.000ha bao gồm cả trồng tập trung và xen canh.
Trí Tín