Doanh nghiệp toan tính với cổ tức khi đầu tư lớn

Nhận định kinh tế năm 2015 đã có dấu hiệu hồi phục, nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch đầu tư lớn để đón trước cơ hội thị trường hồi phục hay tham gia một lĩnh vực mới tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn lực tự có là vấn đề hết sức quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho những chiến lược đầu tư, song cũng có một số doanh nghiệp vẫn sẵn sàng trả cổ tức cao dù đang mang tham vọng phát triển.

Tại đại hội cổ đông năm nay, Công ty Cổ phần FPT (Mã CK: FPT) thông báo kế hoạch đầu tư 2.031 tỷ đồng cho các lĩnh vực viễn thông, xuất khẩu phần mềm và giáo dục… Cùng với đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Gia Bình cho biết tập đoàn tiếp tục dành ngân sách 1.000 tỷ đồng cho chiến lược mua bán – sáp nhập (M&A) trong những năm tới. Đầu tư “khủng” như vậy, song FPT vẫn dự kiến trả cổ tức năm 2015 tỷ lệ 35%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 20% bằng tiền mặt, tăng so với mức trả cổ tức năm ngoái (20%).

Co-dong-dat-cau-hoi-2566-1428400566.jpg

Cổ đông chất vấn công ty tại đại hội cổ đông về định hướng phát triển thời gian tới.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thế Phương – Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính cho hay việc trả cổ tức trong bối cảnh đầu tư mạnh đã được FPT cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo độ an toàn tài chính. “Với tỷ lệ trả cổ tức trên, FPT dự kiến sẽ dành ra 800 tỷ đồng, với tổng lợi nhuận sau thuế hơn 2.000 tỷ đồng thì tập đoàn vẫn còn khoảng 1.200 tỷ. Cộng với các khoản tiền và tương đương tiền, FPT cho rằng kế hoạch đầu tư hoàn toàn phù hợp với khả năng đang có”, ông Phương nói. 

Cùng với đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 16% trong năm 2015 cũng đảm bảo cho kế hoạch trả cổ tức của tập đoàn. “Năm qua lợi nhuận giảm sút do một số nguyên nhân khách quan, tuy nhiên với việc chi phí đầu tư cho mảng viễn thông được phân bổ trong năm 2014 – 2015, dự kiến dòng tiền, lợi nhuận của FPT sẽ tăng trưởng mạnh trở lại”, đại diện FPT chia sẻ.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) năm nay cũng nhận được sự quan tâm lớn khi tuyên bố lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp và coi đây là chiến lược dài hạn. Không công bố chi tiết con số đầu tư cho lĩnh vực mới vì cho rằng hiện nay công ty mới đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển, song ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát cho rằng công ty sẽ ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực mới này. Ban đầu, Công ty Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Tuy vậy, Hòa Phát vẫn trả cổ tức năm 2014 theo kế hoạch với tỷ lệ 30% vào quý II/2015, gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Sang năm 2015, công ty tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ 20%.

Nhằm cán mốc doanh thu một tỷ USD, lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Phong Phú (Phong Phú Corp) sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2015 – 2017 để mở rộng năng lực sản xuất cho ngành dệt nhuộm, cung cấp nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may trong nước khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại song phương (FTA) với EU và Hàn Quốc.

Dù đầu tư lớn, song Phong Phú vẫn đặt mục tiêu trả cổ tức cho cổ đông năm 2015 tỷ lệ 15-18%, so với kế hoạch 15% của năm 2014; mục tiêu lợi nhuận công ty mẹ đạt 167 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.

Ngược lại, cũng có một số doanh nghiệp không chấp nhận trả cổ tức cao để tái đầu tư. Trong đại hội cổ đông mới đây của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Mã CK: AGF), lãnh đạo công ty đã “từ chối” đề xuất của đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về việc chuyển cổ tức năm 2014 từ tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu sang trả bằng tiền mặt tỷ lệ 35%.

Theo Chủ tịch Ngô Phước Hậu, trong những năm tới công ty cần nhiều vốn để tái đầu tư, đổi mới trang thiết bị và vùng nuôi cá nên rất cần tiền mặt để tái sản xuất. “Yêu cầu nhận cổ tức bằng tiền của cổ đông là chính đáng, nhưng mong quý cổ đông nghĩ đến lợi ích lâu dài và sự phát triển bền vững của công ty. Trong tình hình hiện nay việc để lại một phần lợi nhuận sẽ giúp cho năng lực tài chính công ty mạnh hơn”, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định.

Cổ tức cũng là một chủ đề gây tranh luận tại đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Khoáng sản Fecon (Mã CK: FCM). Năm 2014, công ty lãi gần 27 tỷ đồng nhưng quyết định không trả cổ tức, sang năm 2015, mục tiêu lãi 40 tỷ đồng song công ty chỉ “hứa” trả cổ tức 5%.

Trần tình với các cổ đông, ban lãnh đạo FCM cho biết thời gian tới sẽ có nhiều dự án lớn được triển khai, cần đến hàng chục tỷ đồng trong thời gian ngắn nên phải giữ lại nguồn vốn để tăng năng lực tài chính. Cụ thể, năm 2015, FCM dự kiến đầu tư vào việc cải tạo, nâng cấp mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nhà máy khoảng 150 tỷ đồng, đầu tư mỏ đá khoảng 40 tỷ đồng. 

“Sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận còn lại chưa phân phối của năm 2014 là hơn 18 tỷ đồng. Nhu cầu tái đầu tư cần khoản tiền lớn, có những hợp đồng cần từ 40 tỷ đến 50 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu dự trữ cho những đơn hàng ký hợp đồng sau 3 ngày phải cấp hàng liên tục trong vòngmột tháng, vì vậy không chia cổ tức năm 2014 và tích lũy lợi nhuận lại cho các năm sau”, đại diện công ty cho hay.

Trước vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét nếu doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ mà cần phát triển mạnh thì việc giữ lại lợi nhuận, không trả cổ tức là điều hiển nhiên. Song, với những công ty lớn, năng lực tài chính mạnh thì việc giữ lại lợi nhuận gần như không cần thiết, đặc biệt khi lãi suất vay ngân hàng hiện nay cũng hấp dẫn.

“Với những doanh nghiệp lớn thì việc trả cổ tức 30% không đáng lo, động thái này cũng nhằm tạo niềm tin cho các cổ đông”, ông Hiển nhận định.

Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý cổ tức cao phải đi kèm với những định hướng phát triển rõ ràng của doanh nghiệp, bởi khi đó thì giá cổ phiếu mới đảm bảo tăng trưởng bền vững. “Khi doanh nghiệp trả cổ tức cao thì cũng nên đặt vấn đề về định hướng phát triển của doanh nghiệp, bởi nếu định hướng không tốt thì sau đó sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu”, vị này cho biết.

Phương Linh

0913.756.339