Trao đổi với báo chí ngày 10/1, ông Đỗ Hồng Phú, Giám đốc mỏ đá Cơn Tria (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết đơn vị thường sản xuất đá bán cho các nhà thầu đang thi công tại dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng). Tuy nhiên, khoảng 5 ngày qua, mỏ đã ngừng bán hàng, sản xuất cầm chừng, hơn 70% công nhân được cho tạm nghỉ việc.
Lý giải việc đóng mỏ, vị giám đốc cho hay đơn vị có 20 xe tải, từng được cơi nới để tăng tải trọng chuyên chở. Song sau khi tỉnh tăng cường kiểm tra, xe phải cắt thùng trở về nguyên bản, chỉ còn chở được 9-13 tấn. Do giá cước vận tải không tăng (60.000-90.000 đồng mỗi khối cho quãng đường 30 km), vị này cho rằng doanh nghiệp không thể bù lỗ giá xăng dầu, hao mòn xe.
Chủ doanh nghiệp cho rằng việc cắt bỏ thùng hàng về nguyên bản sẽ khiến họ lỗ vốn. Ảnh: Đức Hùng |
Tương tự Cơn Tria, các mỏ đá khác trên địa bàn như Khe đá giàn, Dầu khí, Hòa bình… cũng đồng loạt đóng cửa. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc mỏ Khe đá giàn cho biết lâu nay phải thuê xe tư nhân bên ngoài để vận chuyển. Mức cước mà các đối tác này đòi hỏi đã tăng mạnh trong những ngày qua, vượt quá khả năng của doanh nghiệp.
Trước đó vào sáng 3/1, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – Võ Kim Cự đã cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất ở địa bàn huyện Kỳ Anh và xử lý 13 phương tiện vi phạm quá tải trọng, hết hạn kiểm định. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu thắt chặt công tác quản lý tải trọng trên địa bàn sau đợt kiểm tra này.
Trong khi đó, tại Cơn Tria và nhiều mỏ đá khác, xe vận tải trước đây thường có thùng được cơi nới lên cao 1,5–1,8 m, so với mức 0,6m nguyên bản. Mỗi chiếc như vậy có thể chở được hơn 20 tấn hàng, so với mức 9 tấn hiện nay (sau khi cắt bỏ về nguyên bản.
Thùng hàng nguyên bản của mỗi chiếc xe cho phép chở khoảng 9 tấn đá, so với mức hơn 20 tấn sau khi cơi nới. Ảnh: Đức Hùng |
“Phía Formosa có yêu cầu chở vật liệu, nhưng đơn vị đã trả lời không thể bù lỗ nên chưa chạy được. Chúng tôi cũng chưa biết đến bao giờ mới có thể lại mỏ”, vị giám đốc mỏ đá Cơn Tria nói.
Trong khi đó, ông Phạm Huy Tường – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Kỳ Anh cho biết trên địa bàn có hơn 61 mỏ đá nhưng số còn sản xuất là rất ít.
“Trước kia doanh nghiệp thường loại dụng việc chở quá trọng tải để giảm bớt chi phí vận chuyển. Nay việc quản lý được thắt chặt, họ phải chấp hành việc cắt thùng, nhưng lại không thể tăng cước. Hơn nữa tiến độ thi công xây dựng ở Formosa đang chậm lại, việc cung cấp đá ít nên họ dừng sản xuất”, ông Tường nói
Ông Hoàng Hiệp, Giám đốc công ty vận tải Hoàng Hà cho biết có 5 xe thường xuyên mua vật liệu ở các mỏ đá trên địa bàn huyện. Nay các chủ mỏ đóng cửa, xe phải nằm một chỗ nên ảnh hưởng rất lớn tới việc sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã nắm được vấn đề, song chưa rõ chỉ vì lý do xe quá tải hay còn nguyên nhân nào khác. “Đa phần các mỏ đá phục vụ cho Formosa. Hiện chúng tôi đã cho người đi kiểm tra, báo cáo tình hình. Phải tìm hiểu lý do để tìm cách tháo gỡ”, ông Đinh nói.
Đức Hùng