Ngày 27/11, tại cuộc họp Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại, các sở, ngành tỉnh Bình Dương cho biết, gói tín dụng 1.000 tỷ đồng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng sau sự cố giữa tháng 5 vừa qua hiện giải ngân rất chậm.
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 10/2014, các doanh nghiệp bị thiệt hại trên địa bàn Tỉnh đã được miễn, giảm, hoàn thuế gần 1.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thuế nội địa. Riêng gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, trong số 37 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất được ưu tiên vay thì tới nay mới chỉ có 4 công ty thực hiện hồ sơ vay với tổng số vốn vay dự kiến chỉ 156 tỷ đồng, 32 doanh nghiệp không có nhu cầu vay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được giải ngân vốn vay. Trong khi đó thời hạn cuối cùng phải ký hợp đồng tín dụng theo công bố trước đó là tới 31/12 sắp tới.
Đại diện Sở Tài chính tỉnh Bình Dương cho rằng, có thể do các doanh nghiệp nói trên hầu hết là doanh nghiệp FDI, nên khi xảy ra sự cố thì các công ty mẹ ở nước ngoài và các ngân hàng là đối tác làm ăn lâu năm đã hỗ trợ nên họ không hào hứng vay vốn ưu đãi nữa.
Ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh cũng đồng ý với đề xuất của một số sở, ngành về việc sẽ xem xét mở rộng đối tượng được vay gói tín dụng 1.000 tỷ đồng là tất cả các doanh nghiệp bị thiệt hại trong sự cố tháng 5/2014, thời hạn giải ngân gói tín dụng này sẽ được kéo dài tới hết năm 2015 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Trước đó, sau sự cố xảy ra vào giữa tháng 5 vừa qua, ngoài những chính sách miễn, giảm theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các các cơ quan thuế, hải quan của Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh. Trong đó, gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp bị thiệt hại được tỉnh Bình Dương hỗ trợ một nửa lãi suất.
Nguyệt Triều