Chính phủ yêu cầu quản chặt các khoản vay mới

Câu chuyện quản lý nợ công một lần nữa được Chính phủ nhắc tới trong Nghị quyết thường kỳ tháng 10, sau khi vấn đề được đặc biệt chú ý tại diễn đàn Quốc hội.

Theo cơ quan điều hành, thời gian qua, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nợ công tăng nhanh như tác động của kinh tế thế giới, giảm thu – trong khi phải tăng chi để hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội… Điều này khiến nợ công tăng từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014.

Việt Nam đang vay nợ như thế nào

Mặt khác, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp giảm dần. “Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp tăng nhanh trong ngắn hạn”, cơ quan điều hành nhận định.

Dù vậy, Chính phủ cho rằng việc vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn, các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép. Đặc biệt, trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Tuy vậy, để nợ công không vượt giới hạn an toàn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung quản lý chặt chẽ, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), bảo đảm sử dụng để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu theo quy hoạch.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp, bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Ngoài ra, cần bố trí nguồn từ ngân sách trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy để trả nợ đúng hạn.

T.Đức

0913.756.339