Quỹ bảo lãnh tín dụng chịu cảnh ‘ngồi không’

Chia sẻ trên của ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ TP HCM được đưa ra trong hội thảo tìm mô hình và giải pháp phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng diễn ra sáng nay khiến nhiều người giật mình. Vì sao mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời với nhiều kỳ vọng nhưng ngày càng èo uột và không thể hoạt động được.

Đây là một thực trạng tréo ngoe vì hiện Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp thì có đến 500.000 là doanh nghiệp tư nhân, có quy mô nhỏ, khả năng tài chính yếu. Và đa số đều rất khó tiếp cận vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo,… nhưng gần như lại không thể tiếp cận được vốn từ sự bảo lãnh của các quỹ.

quy-bao-lanh-tin-dung-chiu-canh-ngoi-khong

Doanh nghiệp nhỏ đói vốn nhưng vẫn chưa thể trông chờ vào sự bảo lãnh của các quỹ tín dụng vì vướng nhiều cơ chế.

Theo ông Long, từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ họ tiếp cận tín dụng nhưng suốt 14 năm qua, cả nước chỉ có 27 quỹ được thành lập và đều rơi vào tình cảnh “ngồi không”. Hàng loạt khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách khiến hoạt động của nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng trên cả nước rơi vào tình trạng “vừa nở đã sắp tàn”.

Bởi theo vị này, hoạt động của quỹ là theo cơ chế thị trường nhưng lại chịu sự quản lý của nhà nước ở tất cả các ngành liên quan. “Thực sự chúng tôi chẳng được lợi ích gì nhưng nếu kiện cáo sẽ bị thanh tra, kiểm toán. Còn khi xảy ra sự cố hay nợ xấu, doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm thì những người làm ở quỹ phải chịu trách nhiệm. Vậy thì làm sao chúng tôi dám đẩy mạnh hoạt động”, ông bày tỏ.

Ngoài ra, một điều bất hợp lý khác nữa là trong quy định hoạt động bảo lãnh của quỹ yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. “Nếu có tài sản thế chấp thì doanh nghiệp đã không cần quỹ bảo lãnh để tốn thêm chi phí, thời gian mà tự họ đi vay ngân hàng rồi”, ông Long ngậm ngùi nói.

Thừa nhận thực tế này, ông Hoàng Công Gia Khánh – Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Luật cho rằng, những người làm ở quỹ bảo lãnh “lương thì ít nhưng trách nhiệm thì nhiều” nên rất khó để tạo ra sự thay đổi.

Thêm vào đó, vấn đề lãi suất các khoản vay có bảo lãnh tín dụng cao hơn so với những khoản vay thế chấp thông thường, lại phải chịu phí bão lãnh khiến chi phí của doanh nghiệp đắt đỏ cũng được ông Khánh đặt ra. Bởi, hiện các ngân hàng thương mại vẫn chưa coi những khoản tín dụng có bảo lãnh như khoản vay có tài sản thế chấp. Nên dù được quỹ ra chứng thư bảo lãnh, ngân hàng vẫn tính lãi suất cao hơn do doanh nghiệp phải chịu phí bảo lãnh. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn là doanh nghiệp khó khăn, tìm đến quỹ bảo lãnh và nếu vay được cũng chịu chi phí cao khiến rủi ro hoạt động cao.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Khánh, Nhà nước nên ban hành một mức tiêu chuẩn thấp hơn cho các doanh nghiệp tìm đến quỹ. Chẳng hạn khảo sát tiêu chuẩn từ một ngân hàng thương mại, sau đó thì dựa vào đây và hạ chuẩn cho vay đối với doanh nghiệp tìm đến quỹ. Khi đó mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng mà trách nhiệm và rủi ro của quỹ cũng được giảm đi phần nào và họ mới mạnh dạn làm.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cũng chia sẻ, thật sự là hiện nay ngân hàng không an tâm với sự bảo lãnh của các quỹ vì sợ rủi ro lớn. Đó là do chưa có niềm tin lẫn nhau. “Tôi thấy, việc bảo lãnh của quỹ dù sao vẫn có giá trị hơn so với cho vay tín chấp nhưng tại sao ngân hàng vẫn không dám. Trong khi đó, ở các nước khác thì quỹ bảo lãnh của họ hoạt động rất mạnh”, ông nói và cho rằng đây là vấn đề cần xem lại, có thể cần có một chỉ đạo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc này.

Trước băn khoăn của ông Hưng, bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt – Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân phân tích, hiệp hội của các nước được phép bảo lãnh vì có uy tín và hoạt động rất tốt. Bên cạnh đó Hiệp hội còn được doanh nghiệp đóng góp hội phí nên cũng có nguồn chi phí tốt để hoạt động.

“Và khi các ngân hàng nhìn vào sẽ tin tưởng các Hiệp hội này nên tự tin vào sự bảo lãnh ấy. Còn Việt Nam thì không làm được điều đó nên không thể so sánh với nước ngoài được”, bà nói và cho rằng vấn đề trọng tâm là cần tìm cách kết nối đồng bộ giữa Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm và quỹ bảo lãnh thì mới giải quyết được vấn đề. 

Ngoài ra, một lãnh đạo của Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM cho rằng, về mặt cơ chế là rất quan trọng, chẳng hạn như Nhà nước tính toán ra một mức độ rủi ro nhất định để áp dụng cho quỹ. “Có thể cho phép bỏ ra 10 đồng vốn và chấp nhận mất 2 đồng, chứ còn cứ thất thoát là xử lý thì sẽ chẳng ai trong quỹ dám làm. Sắp tới Nhà nước sẽ theo xu hướng lập quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn chứ không phải là bảo lãnh nữa”, ông nói.

Lệ Chi

0913.756.339