G20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu

Trong thông cáo chung sau 2 ngày họp tại Thượng Hải (Trung Quốc), bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 khẳng định kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi, dù “còn không đồng đều, cũng như chưa đạt kỳ vọng tăng trưởng cân bằng, bền vững và mạnh mẽ”.

Cuộc gặp của các quốc gia G20 diễn ra trong bối cảnh nước tổ chức là Trung Quốc đang tăng trưởng chậm, các thị trường tài chính toàn cầu lao dốc và lãi suất Mỹ tăng lần đầu trong 9 năm, trong khi Nhật Bản lại hạ lãi xuống âm. Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay từ 3,3% xuống 3%.

Thông cáo chung của G20 liệt kê nhiều rủi ro mà thế giới đang phải đối mặt, trong đó có biến động về dòng vốn rút ra, giá hàng hóa giảm, căng thẳng địa chính trị tăng và “cú sốc từ nguy cơ Anh rời Liên minh châu  (EU) và số người tị nạn đến một số nước ngày càng tăng”.

g20-cam-ket-thuc-dy-tang-truong-toan-cau

Các nước G20 đã kết thúc phiên họp 2 ngày tại Thượng Hải. Ảnh: News.cn

Tuy nhiên, các nước vẫn còn bất đồng về phương án giải quyết. Bộ trưởng Tài chính Đức – Wolfgang Schaeuble cho biết các nỗ lực thúc đẩy kinh tế qua nới lỏng tiền tệ có thể phản tác dụng. Còn nới lỏng tài khóa (qua tăng chi tiêu công hoặc giảm thuế) đã hết tác dụng.

“Các chính sách tài khóa và tiền tệ đã chạm giới hạn rồi. Nếu anh muốn nền kinh tế thực sự tăng trưởng, chẳng có lối tắt nào mà không cần cải tổ đâu”, ông cho biết.

Là thành viên lớn nhất và giàu nhất EU, Đức thi thoảng có những ưu tiên kinh tế không giống các quốc gia khác. Ông Schaeuble không đồng tình với Mỹ, Anh và Trung Quốc – những nước ủng hộ sử dụng công cụ tài khóa và tiền tệ để chống suy giảm kinh tế.

Thông cáo chung cũng cho biết G20 “sẽ sử dụng tất cả công cụ chính sách – tài khóa, tiền tệ, cải tổ cấu trúc – cả đơn lẻ từng nước và phối hợp giữa các quốc gia” để gây dựng niềm tin và củng cố đà phục hồi. Dù vậy, họ cũng thừa nhận chỉ tăng cung tiền sẽ không dẫn đến tăng trưởng cân bằng và các chính sách tài khóa cũng sẽ được sử dụng “linh hoạt”.

Các nước cũng tái cam kết “hạn chế cuộc chiến hạ giá nội tệ” và “theo sát diễn biến trên thị trường ngoại hối”. Đáp trả các lo ngại gần đây về việc Trung Quốc có thể hạ giá NDT thêm nữa để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, Thủ tướng Lý Khắc Cường và các đại diện Trung Quốc trong cuộc họp G20 cho biết “không có ý định và cũng không có quyết định nào để hạ giá nội tệ”.

Hà Thu (theo AFP)

0913.756.339