Thống đốc giải trình về sai phạm tại VNCB

Phiên chất vấn người đứng đầu ngành ngân hàng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9 nóng như dự kiến. Câu chuyện Chủ tịch và Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị bắt đã được nhắc lại như một điểm trừ cho hoạt động tái cơ cấu ngành ngân hàng vốn có rất nhiều điểm sáng so với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tiền thân là một ngân hàng rất yếu kém, nằm trong danh sách phải xử lý, VNCB ra đời nhờ sự bơm vốn của một cổ đông đến từ lĩnh vực xây dựng. 

Thong-doc1-5117-1411976700.jpg

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9.

Tuy nhiên, ít thời gian sau khi tham gia quản trị, điều hành ngân hàng, đại diện của các cổ đông này đã có những hành vi vi phạm và bị bắt. “Cũng như các vụ việc Huyền Như, Bầu Kiên, Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp – ALCII…, sai phạm tại VNCB dù to nhỏ thế nào, diễn ra từ bao giờ đều thuộc trách nhiệm chúng tôi phải xử lý”, Thống đốc nhấn mạnh. 

Thống đốc thừa nhận có nhiều vấn đề nan giải trong giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống. Khi đó, xử lý các ngân hàng yếu kém phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dựa vào nguồn lực của thị trường, mời gọi các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu để giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước. Theo Thống đốc, trong số các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB), có một doanh nghiệp mà theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu và Chính phủ đều cho rằng là có năng lực tài chính. 

“Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này mới bộc lộ sai phạm và sai phạm này được phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nhờ vậy mà giảm thiểu hệ lụy”, Thống đốc nói. Ông cho biết, hoạt động sai trái của cổ đông này không diễn tại VNCB, mà thông qua hoạt động vay mượn ở nơi khác. 

“Giám sát tại chỗ chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu sai phạm, mà phải kiểm tra ở nơi khác và kịp thời phối hợp với cơ quan công an. Vì vậy sai phạm này không gây xáo trộn hệ thống ngân hàng”, ông nhấn mạnh.

Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng và cung ứng vốn cho nền kinh tế là ba vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải giải trình làm rõ trong phiên họp chiều 29/9, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngoài trường hợp VNCB, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được xem là một điểm sáng trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế 3 năm qua vẫn rất ì ạch. Trong số 9 ngân hàng cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại và sắp trình Thủ tướng phương án với ngân hàng còn lại. 

Thống đốc cho biết các ngân hàng này đang tích cực triển khai giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt. Hầu hết các phương án tái cơ cấu, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu. Đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 9 ngân hàng này tăng 3,l7% so với cuối năm ngoái; huy động vốn tăng 3,28%, tín dụng cung ứng cho nền kinh tế tăng tăng 10,18%.

Trong số 25 ngân hàng cổ phần còn lại, Ngân hàng Nhà nước đã nhận phương án tái cơ cấu của 24 đơn vị, phê duyệt 18 trường hợp, đồng thời yêu cầu các đơn vị còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.

Báo cáo trước Quốc hội, ông cũng tranh thủ cho biết nỗ lực của hệ thống ngân hàng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận nỗ lực. Moody và Standard & Poor’s mới đây đã nâng hạng tín nhiệm với lý do hệ thống ngân hàng ngày càng ổn định hơn, trong đó hơn 10 ngân hàng được nâng hạng. Tạp chí danh tiếng The Banker mới đây công bố một số ngân hàng Việt Nam trong danh sách 1.000 ngân hàng hàng đầu thế giới. Một số ngân hàng cũng có mặt trong trong danh sách Top 10 ngân hàng an toàn ở Đông Nam Á.

Thống đốc cho biết tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), với sứ mệnh xử lý nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng, sau hơn một năm hoạt động đã mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Tính cả phần các ngân hàng báo cáo đã tự xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tổng số nợ xấu được xử lý từ đầu năm đến nay vào khoảng 105.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với hai năm trước (năm 2012 là 69.000 tỷ đồng, 2013 là 98.000 tỷ đồng).

Thống đốc nhìn nhận đây là một cố gắng rất lớn trong bối cảnh xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. “Thế giới thường dùng tiền để xử lý nợ xấu và họ dành một khoản tương đương 20-30% GDP, nước tỷ lệ nợ xấu thấp thì cũng dùng tới 7-10% GDP. Còn ở Việt Nam chúng ta chưa dùng đồng nào”, ông nói.

Vì vậy, Thống đốc cho biết ông đồng tình với quan điểm của một số đại biểu Quốc hội về việc nếu không có tiền từ ngân sách thì phải có cơ chế và trao thêm công cụ cho VAMC. Mặt khác, sẽ phải tăng năng lực tài chính bằng cách tăng vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng hiện nay lên 2.000 tỷ đồng.

Số liệu báo cáo của các ngân hàng cũng cho thấy, đến cuối tháng 7, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2013 là 3,61%. Thống đốc lý giải nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Bản thân các ngân hàng cũng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.

Cũng theo Thống đốc, trước đây các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. 3 năm qua Ngân hàng Nhà nước đang làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu.

“Tính từ đầu năm, tháng 7 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện”, Thống đốc nói.

Đây là lần thứ hai Thống đốc Bình trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8/2012Chương trình được truyền hình trực tiếp và kết nối trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Buổi chất vấn bắt đầu lúc 14h và được VnExpress.net tường thuật trực tiếp với sự hỗ trợ công nghệ truyền hình trực tuyến của FPT Telecom.

Đến 22/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,93%, huy động vốn tăng 9,79% và tín dụng tăng trưởng 6,62% so với cuối năm 2013. Trong đó huy động vốn bằng VND tăng 10,94%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 2,82%. Tín dụng bằng VND tăng 4,39%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 20,77%.

Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8% một năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến khoảng 9-10%  đối với ngắn hạn; 10,5-12% đối với trung và dài hạn. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả lãi suất cho vay chỉ 6-7%.

Đến cuối tháng 8/2014, đầu tư, kinh doanh trái phiếu Chính phủ của các TCTD tăng 21,56% so với cuối năm 2013.

Trong hơn 8 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục (trên 35 tỷ USD).

(Số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố chiều 29/9)

Phương Linh – Chí Hiếu

0913.756.339