Khảo sát của VnExpress, khá nhiều đại gia địa ốc Sài Gòn đang chuẩn bị những sản phẩm cao cấp, giá “khủng” bậc nhất từ trước tới nay để tung ra trong năm Bính Thân, trong đó có cả những tên tuổi lần đầu gia nhập phân khúc. Các dự án có điểm chung là vị trí cực kỳ đắc địa tại khu vực quận I.
Những ngày đầu xuân, Chủ tịch sáng lập Sacomreal – Đặng Hồng Anh chia sẻ năm 2016 doanh nghiệp dự kiến mỗi tháng tung ra ít nhất một dự án nhà ở, tổng số hàng hóa đưa ra thị trường ước tính 2.400 căn, đủ mọi phân khúc từ trung cấp đến cao cấp, tăng 1.000 căn so với năm 2015. Đặc biệt, năm mới sẽ có cả nhà ở hạng sang tại quận I giá bán trong ngưỡng 70-80 triệu đồng/m2 trở lên. “Phân khúc này trước nay chúng tôi chưa từng làm nhưng sẽ quyết tâm theo đuổi trong năm 2016 và kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn mạnh mẽ”, ông Hồng Anh nói.
Novaland là tên tuổi quen thuộc trên thị trường bất động sản với phân khúc căn hộ trung và cao cấp trong suốt 3 năm qua cũng có bước chuyển mình trong năm mới. Phó tổng giám đốc Bùi Cao Nhật Quân cho biết, năm nay doanh nghiệp lên kế hoạch sẽ thực hiện dự án phức hợp trên đường Thi Sách, quận I, trong đó gồm căn hộ, officetel và khách sạn, giá bán dự kiến khoảng 5.000-6.000 USD một m2. “Tuy đây không phải là dự án lớn nhất nhưng sản phẩm có vị trí đẹp nhất và giá bán cũng thuộc hàng cao nhất của công ty từ trước tới nay”, ông Quân cho hay.
Một dự án khác cũng được chờ đợi là khu phức hợp The One của Bitexco nằm đối diện chợ Bến Thành qua vòng xoay Quách Thị Trang. Dù hiện nay, chủ đầu tư khá kín tiếng trong quá trình hoàn thiện nhà mẫu và chưa công bố giá bán nhưng theo dự báo của giới kinh doanh địa ốc, đây sẽ là những sản phẩm hạng sang cực đắt. Ngoài ra, một đại gia địa ốc khác cũng đang chuẩn bị dự án bên bờ sông Sài Gòn để tung ra trong năm 2016. Giá bán dự án này cũng thuộc ngưỡng cả trăm triệu đồng mỗi m2 vì vị trí có một không hai tại khu trung tâm hiện hữu TP HCM.
Bất động sản hạng sang tại TP HCM được dự báo sẽ có cuộc rượt đuổi bung hàng lớn nhất từ trước tới nay. Ảnh: C.H |
Tại buổi gặp mặt báo chí tháng 1/2016, CBRE Việt Nam tiết lộ khu lõi trung tâm đẹp nhất Sài Gòn sẽ có khoảng 8 dự án hạng sang được chào hàng trong năm 2016, giá cao nhất có thể lên đến 7.500 USD một m2. Nguồn cung các dự án cao cấp và hạng sang ước tính có thể tăng 20% so với năm 2015. Theo nhận định của đơn vị này, đã rất lâu thị trường bất động sản TP HCM chưa có dự án nào được chào bán với mức giá cao như vậy.
Nhiều năm qua, từ chỗ chỉ có một vài tên tuổi theo đuổi dòng sản phẩm luxury (cao cấp), nay đô thị 10 triệu dân này đang nổ ra cuộc chạy đua đầy kịch tính ở phân khúc bất động sản “siêu đắt đỏ” với sự góp mặt của khá nhiều ông lớn. Tuy nhiên, bên cạnh bề nổi hào nhoáng vẫn có không ít tảng băng chìm. Đó là động thái rút lui, bán tháo và cả tình trạng ế ẩm của không ít dự án được định vị là hạng sang.
Điển hình là ngày 20/1, Capella Holdings tuyên bố giảm giá 45% giá bán 39 căn hộ còn lại trong dự án The One Sài Gòn tọa lạc tại số 45-47 Đặng Thị Nhu, quận I, là một trong những dự án hiếm hoi đã hoàn thiện nằm trong vùng lõi trung tâm hiện hữu của thành phố. Từ mức giá 5.500-6.000 USD mỗi m2 vào năm 2010, các căn hộ được bán vét giảm còn 3.200-4.000 USD một m2, diện tích mỗi căn từ 49,5-148 m2.
Giải thích cho quyết định giảm giá này, Giám đốc kinh doanh Công ty Capella Holdings, Nguyễn Đình Toàn trần tình dự án có khoảng 96 căn mở bán từ năm 2010. Với mức giá 5.500-6.000 USD một m2, chủ đầu tư từng kỳ vọng sẽ thu lợi cao nhưng 5 năm chỉ bán được 45 căn, lãi suất ngân hàng ăn hết lợi nhuận. “Rút kinh nghiệm xương máu nhiều năm quan sát thị trường, chúng tôi quyết định đại hạ giá 38 căn còn lại để xả hàng nhanh, tránh viễn cảnh tồn kho bán không được thì ngân hàng tiếp tục ăn cụt cả vốn lẫn lãi”, ông giãi bày.
Giảm giá sâu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp doanh nghiệp bán được 20 căn trong vòng một tháng. Như vậy, lượng căn hộ còn tồn đọng của The One Saigon rút xuống còn 18 căn. Được biết động thái bán tháo này của doanh nghiệp nhằm chuyển mục tiêu đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn để tập trung phát triển và đầu tư vào lĩnh vực khác: ẩm thực, nhà hàng, hội nghị tiệc cưới, bar, sky Bar…
Ngoài ra, trên một tuyến đường đẹp và đắt đỏ nhất TP HCM vẫn còn đó những căn hộ triệu USD bán nửa thập niên chưa hết dù số lượng sản phẩm khá hạn chế. Ngay cả dự án ban đầu được định vị là hạng sang nằm trên hòn đảo giữa lòng Sài Gòn nay đã chuyển hẳn sang tư duy đầu tư mới. Nếu giai đoạn một của dự án là những căn hộ luxury diện tích lớn thì gần 10 năm sau, chủ đầu tư tỏ ra am hiểu thị trường sâu hơn. Điều này thể hiện qua việc các căn hộ vẫn duy trì chất lượng cao nhưng diện tích điều chỉnh nhỏ lại để giá cả phù hợp với người mua nhà tại TP HCM.
Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá: “Cuộc đua bung hàng bất động sản hạng sang trong thời gian tới chắc chắn sẽ là những màn rượt đuổi đầy kịch tính, khốc liệt và khó đoán hơn so với phần còn lại của thị trường”.
Ông Nghĩa phân tích, kịch tính ở chỗ sau 7-8 năm khủng hoảng và phải chờ 1-2 năm hồi phục, tức là gần một thập niên trôi qua, thị trường bất động sản mới lại chứng kiến cuộc so găng được dự báo là rất sôi động của các dự án hạng sang. Đây là tín hiệu tích cực vì nó chứng tỏ thị trường đang có bước tiến dài. Cùng với thanh khoản lên cao và liên tục lập kỷ lục, các doanh nghiệp đang tự tin hơn bao giờ hết vươn đến nhóm sản phẩm có chất lượng và đẳng cấp vượt trội. Hiệu ứng của tín hiệu này có thể đến từ việc Việt Nam đã nỗ lực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Ông cũng thừa nhận, phần khốc liệt của cuộc đua này đáng phải trăn trở. Sự khốc liệt nằm ở tính minh bạch và ổn định của thị trường vẫn đang là dấu hỏi lớn. Khốc liệt vì nguồn cung bất động sản hạng sang cũ và mới đang phải so găng nhau để bán được hàng, chủ yếu phục vụ giới thượng lưu, giàu có chỉ chiếm không quá 3% dân số cả nước. Thêm vào đó, mặc dù tất cả các dự án này đều hội tụ ở khu đất kim cương thuộc lõi trung tâm thành phố bài toán cạnh tranh về giá, thương hiệu, đẳng cấp cũng khó tránh khỏi.
Theo chuyên gia này, xét cho cùng nhà ở hạng sang chỉ là cuộc đua giành thị phần thuần túy của các doanh nghiệp lớn, tiềm lực tài chính vững mạnh. Phân khúc này đắt đỏ nhất vì vị trí đẹp nhất và cũng chỉ phục vụ duy nhất giới nhà giàu. “Do đó, dù cuộc đua có khốc liệt đến đâu, các biến động kinh tế có diễn ra theo chiều hướng nào thì đây cũng là phân khúc ít bị ảnh hưởng nhất”, ông Nghĩa nhận định.
Vũ Lê