Sau khi tăng vọt 12% hôm thứ Sáu tuần trước, giá dầu Mỹ – WTI sáng nay mất 1,7%, còn 28,95 USD một thùng. Trong khi đó, dầu Brent tại London (Anh) mất 2,1%, còn 32,67 USD. Trước đợt tăng hôm thứ Sáu, giá đã giảm liên tục 6 phiên với tổng cộng 19%.
Hôm qua (14/2), lô dầu đầu tiên của Iran đã xuất khẩu sang châu Âu sau khi nước này được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Quan chức dầu mỏ Iran cho biết lô đầu tiên cho hãng Total (Pháp) đã được chuyển tới Kharg Island để lên đường sang châu Âu. Các lô khác cho các công ty Trung Quốc và Tây Ban Nha cũng dự tính đến cùng ngày.
Các hãng dầu Mỹ vẫn đang tăng bơm dầu ra thị trường. Ảnh: CNBC |
“Iran đang tăng thêm sức ép cho thị trường. Mỹ vẫn còn 500 triệu thùng dầu dự trữ, và các công ty dầu đá phiến vẫn đang tăng sản xuất. Trừ phi giảm sản lượng đáng kể, đà tăng này sẽ không bền vững”, David Lennox – nhà phân tích tại Fat Prophets nhận xét.
Giá dầu đã giảm 21% năm nay, trong bối cảnh Iran tăng xuất khẩu và BP dự báo thị trường “còn khó khăn và biến động” nửa đầu năm, với lượng dư một triệu thùng mỗi ngày.
Iran từng là nước sản xuất dầu lớn nhì Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trước khi các lệnh trừng phạt được tăng cường năm 2012. Tuy nhiên, sau khi các lệnh này bị gỡ bỏ hồi đầu năm, Iran kỳ vọng tăng sản xuất thêm một triệu thùng mỗi ngày và lấy lại thị phần đã mất. Nhiều hãng dầu như Total, Compania Espanola de Petroleos hay Lukoil đều đã có đơn hàng với quốc gia Trung Đông này.
Nhập khẩu dầu thô tháng 1 của Trung Quốc đã giảm từ mức kỷ lục xuống thấp nhất 3 tháng, trong bối cảnh các hãng lọc dầu quốc doanh cũng phải sản xuất chậm lại khi dự trữ phình lên. Nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới chỉ nhập 26,69 triệu tấn dầu, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hà Thu (theo Bloomberg)